Sáng 27/12, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đồng chủ trì hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp”.

W-hoinghi-1.png
Quang cảnh Hôi nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp

Hiện nay, cộng đồng NVNONN có khoảng 6 triệu người đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là ở các nước phát triển. Cộng đồng NVNONN hội nhập ngày càng sâu rộng, không những khẳng định vai trò, vị thế đóng góp cho sự phát triển của nước sở tại, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đoàn kết và nỗ lực của toàn dân tộc, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Để Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng đó, không thể không nhắc đến những đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với gần 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội nơi mình sinh sống, mà còn luôn hướng về quê hương, đóng góp cho đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tri thức, kinh nghiệm quản lý đến nguồn lực vật chất…

Thực tế này cũng được đại sứ Ngô Hướng Nam và cộng sự đề cập trong một bài viết bàn về phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

"Đại bộ phận người Việt Nam trên thế giới, dù có chính kiến khác nhau, nhưng đều mang tình cảm hướng về cội nguồn, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước, mong muốn một nước Việt Nam giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Điều này thể hiện rõ qua các sáng kiến, dự án, tổ chức, cơ chế ngày càng gia tăng do cộng đồng NVNONN tiến hành đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ; truyền tải quan điểm của đất nước về các vấn đề quốc tế; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ “từ xa”", ông Ngô Hướng Nam và cộng sự thông tin.

Là một nhà ngoại giao có thâm niên, nhiều cơ hội gặp gỡ kiều bào, Đại sứ Ngô Hướng Nam và cộng sự cho biết, nguồn lực của cộng đồng NVNONN rất phong phú, dồi dào, có giá trị lâu dài, thể hiện trên một số lĩnh vực chính:

Thứ nhất, nguồn lực tri thức, khoa học - công nghệ, nhân lực chất lượng cao: Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 - 12% trong cộng đồng khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (tương đương 600.000 người). Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ na-no, năng lượng, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng. Sự kết nối giữa người Việt Nam trên toàn cầu đang tạo ra các cơ chế hợp tác ngày càng linh hoạt cho chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia những dự án, chương trình nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác thu hút nguồn lực trí tuệ của NVNONN, mở ra hướng đi mới, không chỉ kết nối chuyên gia, trí thức ở các nước để giao lưu, trao đổi về khoa học - xã hội, mà còn kết nối mạng lưới trí thức NVNONN với cơ quan, trung tâm nghiên cứu trong nước.

Lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cũng là một nguồn lực quan trọng của đất nước với kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài. Trong giai đoạn 2017 - 2019, mỗi năm có khoảng 130.000 - 150.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng(4); khi trở về, đa phần người lao động có việc làm ổn định, một số đã thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng vốn tích lũy sau nhiều năm ở nước ngoài.

Thứ hai, nguồn lực kinh tế: Nhìn chung, cộng đồng doanh nhân NVNONN có tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, có ảnh hưởng không chỉ đối với cộng đồng, mà còn đối với chính quyền nước sở tại. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, thương mại và đầu tư của NVNONN đã trở thành cầu nối giao lưu giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ.

Doanh nhân NVNONN còn là lực lượng tuyên truyền, quảng bá hiệu quả về văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động văn hóa cộng đồng, tham gia triển lãm, hội chợ quảng bá thương mại, du lịch của Việt Nam ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2009 - 2019 (trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện), có khoảng 700.000 đến 1.000.000 lượt NVNONN về nước mỗi năm.

Thứ ba, nguồn lực “mềm”: Cộng đồng NVNONN hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội các nước sở tại, có vị thế vững chắc hơn, góp phần mở rộng ảnh hưởng về chính trị, văn hóa Việt Nam. Một vài chính trị gia gốc Việt tại các nước, như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a... tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau (Nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố...). Số lượng người Việt Nam, người gốc Việt tham gia, nắm giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Trước sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn, như Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Xlô-va-ki-a, Đài Loan (Trung Quốc), chính quyền sở tại đã cho phép đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngôn ngữ thứ hai, góp phần không nhỏ vào duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa tiếng Việt.

Bên cạnh đó, cộng đồng NVNONN còn có đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tháng 6-2023, cộng đồng người Việt Nam ở Xlô-va-ki-a được chính quyền nước sở tại công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại quốc gia này. Đây là sự ghi nhận, tôn trọng của Chính phủ Xlô-va-ki-a đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.

Tại Ma-rốc, hiện nay chỉ có khoảng 350 người gốc Việt, chủ yếu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, nhưng đã đồng lòng, chung tay xây dựng công trình Cổng chào Việt Nam tại Ma-rốc (hoàn thành vào tháng 11-2022) nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quan hệ Việt Nam - Ma-rốc.

Tại thành phố U-đôn Tha-ni (Thái Lan), cộng đồng người Việt Nam đã xây dựng Phố Việt Nam (Vietnam Town) với mong muốn nơi đây sẽ trở thành trung tâm văn hóa, địa điểm thu hút du lịch không chỉ của người Việt Nam ở vùng Đông Bắc Thái Lan, mà còn của cộng đồng người Thái gốc Việt tại Thái Lan.

Thứ tư, nguồn lực hỗ trợ các hoạt động từ thiện, nhân đạo: Từ nhiều năm nay, cộng đồng NVNONN tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo ở trong nước. Trong khuôn khổ các dự án thiện nguyện, cộng đồng NVNONN đã tới những vùng, miền xa xôi của Tổ quốc, để trực tiếp hỗ trợ, trao quà tặng góp phần cải thiện đời sống khó khăn của đồng bào, đóng góp quan trọng vào thành tựu xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, cộng đồng NVNONN cho dù gặp khó khăn, nhưng vẫn đồng hành, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần và đóng góp ý kiến tâm huyết để tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ tác hại của dịch bệnh. Cộng đồng NVNONN đã quyên góp ủng hộ 80 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia triển khai công tác ngoại giao vắc-xin, vận động nước sở tại hỗ trợ vắc-xin và vật phẩm y tế cho Việt Nam. Với tấm lòng hướng về quê hương, gần 30 tổ chức, hội đoàn người Việt Nam ở các nước đã phát động các chiến dịch ủng hộ, như “Chung tay vì Việt Nam”, “10 nghìn liều vắc-xin cho Việt Nam”...

Hải Vân