Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (2018 – 2023) hôm 22/12, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công đoàn các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và đề xuất tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như các hoạt động “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, xây dựng thiết chế công đoàn, tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng chương trình “Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”... góp phần đảm bảo chế độ chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động.
Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng đánh giá, trong những năm qua, Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên phối hợp trên nhiều lĩnh vực công tác, đặc biệt là trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng tổ chức Công đoàn trong sạch, vững mạnh.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động trao đổi thông tin, dữ liệu về tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tình hình công nhân, viên chức lao động trong các tổ chức Công đoàn; lên các kế hoạch, phương án cụ thể và kịp thời có các biện pháp phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động…
Những thành tích và kết quả phối hợp của lực lượng Công an nhân dân và Công đoàn trong thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, viên chức, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn trên toàn quốc đã vận động công nhân, viên chức, lao động cung cấp cho lực lượng Công an trên 20.000 nguồn tin, trong đó có gần 10.000 nguồn tin giá trị liên quan đến an ninh trật tự, góp phần giúp điều tra, làm rõ hàng ngàn vụ việc.
“Tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động là lực lượng phối hợp hết sức quan trọng. Từ những nguồn thông tin đáng tin cậy của tổ chức Công đoàn các cấp, của công nhân, viên chức, lao động cả nước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên nhiều địa bàn trọng điểm, góp phần trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an nhân dân đã hỗ trợ tổ chức Công đoàn trong cả nước kịp thời phát hiện, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của tập thể người lao động, liên quan đến lợi ích của công nhân, viên chức, lao động, như tội phạm “tín dụng đen” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và công khai, biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.
Lực lượng Công an không để hình thành, phát sinh các điểm nóng về an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, doanh nghiệp, khu nhà trọ, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, ngăn chặn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật.
Ngoài ra, lực lượng Công an đã hỗ trợ công tác quản lý lao động, cán bộ công đoàn công tác và học tập ở nước ngoài, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm xảy ra, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Để triển khai hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và tổ chức Công đoàn trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là việc nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến cho phù hợp với từng địa bàn, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công nhân, người lao động.
Trên cơ sở những kết quả đạt được của các mô hình điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công đoàn cơ sở cần phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn và lực lượng Công an ở cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình, chú trọng việc sơ kết, đánh giá, phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả mô hình.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng đề nghị lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Công đoàn các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Chủ động đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân, viên chức, người lao động trong tham gia đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Mỗi Công đoàn cơ sở phải phấn đấu là những tập thể đoàn kết, trong sáng, năng động trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Tiếp tục vận động công nhân, viên chức, người lao động tích cực phối hợp lực lượng Công an vận động nhân dân trong chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Triển khai có lộ trình 5 nhóm tiện ích theo nội dung Đề án 06 của Chính phủ về dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành qua đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh, gọn, giảm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu dân cư.