Loạt trụ sở các bộ, UBND huyện tại Hà Nội vi phạm phòng cháy
UBND TP Hà Nội vừa công khai danh sách 18 công trình vi phạm đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn, do các bộ, ngành làm chủ đầu tư.
Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... có nhiều công trình nằm trong danh sách trên.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành công văn về việc khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố. Đây là các công trình sử dụng nguồn vốn của thành phố, do các sở, ban, ngành của thành phố làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, trong danh sách 30 công trình vi phạm có trụ sở UBND các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức do Thành ủy Hà Nội làm chủ đầu tư. (Xem chi tiết)
Bộ Xây dựng chỉ ra cơ quan phân định trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định.
“Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 06 năm 2021 thì UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong trường hợp này là Bộ Giao thông Vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu. (Xem chi tiết)
Sau vụ bỏ cọc, xuất hiện đất đấu giá ở Hà Nội trúng cao nhất dưới 50 triệu/m2
Mới đây, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai (Hà Nội) thông tin, hết thời gian nộp tiền phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao được tổ chức vào ngày 10/8 nhưng chỉ có 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Những lô nộp tiền mua chỉ có giá cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2. Những lô đất còn lại, bao gồm lô có giá trúng cao nhất 100,5 triệu đồng/m2 đã không nộp tiền.
Sau phiên đấu giá đất này tại huyện Thanh Oai, nhiều cuộc đấu giá ghi nhận mức trúng trên 50-133,3 triệu đồng/m2.
Ngày 18/9, 32 lô đất vừa được huyện Mê Linh đấu giá thành công. Ghi nhận kết quả, giá trúng dao động từ 33,3-48,9 triệu đồng/m2. Mức giá trúng không quá chênh lệch so với giá khởi điểm, cao nhất chỉ gấp gần 2 lần.
Theo môi giới bất động sản huyện Mê Linh, các lô có giá bán chênh 500 triệu đồng chủ yếu nằm tại vị trí góc nên thu hút khách mua hơn các lô khác. (Xem chi tiết)
Hà Nội đưa tình trạng ngập úng khi mưa lớn vào tiêu chí xác định giá đất
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 55 ban hành quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về xác định giá đất cụ thể trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 16/9.
Theo đó, Hà Nội quy định cụ thể 8 yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, trong đó có điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện. Điều kiện này dựa trên tiêu chí về khu vực cấp nước, cấp điện ổn định hay không ổn định và tình trạng ngập úng khi lượng mưa lớn. (Xem chi tiết)
Loạt mặt bằng trên 'đất vàng' Đà Nẵng ế khách, bỏ trống nhiều tháng
Ghi nhận của PV VietNamNet cho thấy, tại nhiều tuyến phố sầm uất, trung tâm của Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, đường 2/9, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Hoa Thám... xuất hiện nhan nhản biển cho thuê nhà. Dù treo biển đã lâu, nhiều mặt bằng vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Một môi giới chuyên mặt bằng cho thuê, cho biết mặc dù để trống nhiều tháng, thậm chí cả năm trời nhưng nhiều chủ nhà không có ý định giảm giá hoặc nếu có giảm rất ít. Nhìn chung giá cho thuê vẫn neo cao. (Xem chi tiết)