Điểm đáng quan tâm nhất trong Nghị quyết là mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025.

Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành với nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn và yếu đi, tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh đang gặp nhiều thách thức.

"Khó khăn và khó khăn"

Trước hết cần nhìn nhận hoàn cảnh của các doanh nghiệp rất khó khăn.

Báo cáo quý 1/2023 của Bộ Kê hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/3 chỉ tăng 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%), cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025. Ảnh: Lê Anh Dũng

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I đạt gần 57 nghìn doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ), thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên 60,2 nghìn doanh nghiệp (tăng 17,4% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, một khảo sát của VCCI cho biết, chỉ 35% doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Điều này có nghĩa, một tỷ lệ rất lớn khoảng 65% doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng.

Thậm chí, có gần 11% trả lời thẳng thắn, họ dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp. 

Trong năm 2022, một doanh nghiệp tư nhân điển hình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp điển hình lần lượt là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động. Chỉ hơn 5% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và gần 5% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức của năm 2019 (với tỷ lệ tương ứng là 8,3% và 11,5%).

Về hiệu quả kinh doanh, chỉ gần 43% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là hơn 35% trong khi năm 2019 chỉ ở mức hơn 23%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, trong năm 2022, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Còn trong năm 2021, cả nước có 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 18% so với năm 2020, tăng gần 91% so với bình quân giai đoạn 2016-2020. Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký nhiều gấp 1,28 lần số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với bình quân giai đoạn 2016-2020, với 0,84 lần. 

Đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian dài khó khăn trong hoạt động kinh doanh suốt từ khi có dịch Covid-19 đến nay.

Mục tiêu tham vọng, cần nhiều quyết tâm 

Mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 trong Nghị quyết mà Chính phủ vừa ban hành là rất tham vọng, như tinh thần một nghị quyết được ban hành trước đây. Thời Thủ tướng Phan Văn Khải cũng có nghị quyết đặt mục tiêu có 500 ngàn doanh nghiệp đến 2005 và 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2010.

Để đạt mục tiêu đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nỗ lực triển khai Luật Doanh nghiệp năm 2000 và đưa ra quan điểm “người dân được phép làm mọi thứ mà luật pháp không cấm; còn công chức chỉ được làm những thứ mà pháp luật cho phép”.

Ông kiên trì chuyển cung cách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt bỏ giấy phép con khiến cho doanh nghiệp hồ hởi, nền kinh tế có nhiều động lực sau mở cửa, bước vào thời kỳ tăng trưởng rất tốt.

Số doanh nghiệp đã tăng từ hơn 39 ngàn năm 2000 lên hơn 107 ngàn năm 2005 với tốc độ tăng trung bình tới 122% mỗi năm, cao nhất trong lịch sử hình thành khu vực doanh nghiệp tư nhân kể từ khi có Luật Doanh nghiệp.

Điều đáng tiếc là sau đó, tốc độ tăng doanh nghiệp giảm dần. Các điều kiện kinh doanh; giấy phép con mọc ra trùng điệp trong một thời gian dài.

Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm số doanh nghiệp tăng trung bình 10,5%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Giữa năm 2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. Trong số đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính mà Tổng cục Thống kê đã điều tra được.

Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022.

Vì thế, để tăng số doanh nghiệp lến đến 1,5 triệu vào năm 2025 từ con số của năm 2021 cần rất nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, tiếp cận vốn, đất đai…

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức sau khi gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch COVID-19. Quá trình phục hồi vừa bắt đầu thì lại gặp ngay những cú sốc mới như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính – ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn đi cùng nỗi lo lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ rất quan trọng. Cần mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Lan Anh

Nỗi sợ trách nhiệm – điều phải suy ngẫm hôm nayTrước hết, cần khẳng định, Công điện của Thủ tướng nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ Nhà nước ngày 19/4 là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn.