#Bạolựchọcđường, #đánhnhau, #đánhbạn, #trườngquốctế là một số hashtag phổ biến trên TikTok những ngày qua. Chúng đều dẫn đến các video liên quan đến sự việc học sinh trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC-AA) xô xát gây xôn xao gần đây.
Chỉ cần lướt qua nền tảng này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh xô xát, phụ huynh livestream tố trường hay vết thương từ hành vi bạo lực.
Theo Techcrunch, các clip 15-60 giây trên TikTok thu hút hàng triệu thanh thiếu niên nhưng cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, trong đó có tình trạng người trẻ bắt nạt, quấy rối lẫn nhau.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là TikTok không thể kịp thời gỡ xuống video bẩn, lọc nội dung độc hại hay xử lý các vấn đề về bảo mật, quyền riêng tư.
Các hình ảnh liên quan đến vụ việc học sinh trường quốc tế ở TP.HCM xô xát được chia sẻ liên tục trên TikTok. Ảnh: PHCC. |
Lan truyền bạo lực
Smart Social nhận định bạo lực học đường luôn là vấn đề nghiêm trọng nhưng nó còn trở nên nguy hiểm hơn khi mạng xã hội phát triển.
Theo Schools Week, đầu tháng 5, trào lưu “Guess who” (Đoán xem là ai) xuất hiện trên TikTok khiến nhiều học sinh không dám đến trường.
Theo đó, các tài khoản ẩn danh đăng clip chứa manh mối về danh tính của bạn cùng lớp như tên viết tắt hoặc niên khóa. Thậm chí, một số còn úp mở về ngoại hình, giới tính, tính cách của nạn nhân và khuyến khích các học sinh khác gắn thẻ họ vào phần bình luận.
Điều đáng nói là thông tin mô tả đi kèm có tính chất phỉ báng, xúc phạm, thậm chí nhạy cảm về nạn nhân. Theo Edinburgh Live, học sinh nhiều trường trung học và sinh viên đại học ở Vương quốc Anh bị nhắm tới trong trào lưu ác ý này.
Tổ chức từ thiện dành cho trẻ em NSPCC cảnh báo về tác động tiêu cực lâu dài và nguy hiểm mà các video có thể gây ra.
“Các clip lan truyền tin đồn và bình luận xúc phạm có thể ảnh hưởng xấu đến những đứa trẻ được nhắc đến. Mặc dù bắt nạt trực tuyến diễn ra trên thế giới ảo nhưng có thể gây ra lo lắng và tác hại tương tự bạo lực về thể chất ở ngoài đời, nhưng với lượng khán giả lớn hơn nhiều”, phát ngôn viên của đơn vị cho biết.
Người này đề xuất những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thông qua Dự luật An toàn Trực tuyến để giải quyết vấn đề lạm dụng và bắt nạt, đồng thời đảm bảo trẻ em có được sự bảo vệ trực tuyến mà chúng cần.
TikTok lan truyền nội dung lạm dụng, bắt nạt trực tuyến núp bóng trào lưu “Guess who” gần đây. Ảnh: Edinburgh Live. |
ĐH Brockington ở Enderby, Leicestershire dành nhiều tuần để cố gắng xóa 3 tài khoản gây khó chịu. Bất chấp những mô tả như “mũi to”, “thừa cân”, “răng xấu” và “mắc bệnh tình dục”, nhà trường cho biết TikTok nhận thấy những điều này không vi phạm điều khoản sử dụng.
Trong khi đó, phía TikTok cho biết đang theo dõi tình hình và sẽ gỡ bỏ tất cả nội dung bị phát hiện vi phạm chính sách bắt nạt và quấy rối.
Năm ngoái, công ty này cũng gây tranh cãi khi không hành động nhanh chóng để xóa các video xúc phạm nhắm vào giáo viên.
TS Mary Bousted, Tổng thư ký của Liên minh Giáo dục Quốc gia, nhận định xu hướng này “độc hại” khi được sử dụng để “gây tổn thương, làm nhục và bắt nạt người khác”.
Ứng dụng an toàn trực tuyến Safer Schools cảnh báo nạn bắt nạt trên mạng có thể góp phần gây ra rối loạn sức khỏe tâm thần, lạm dụng chất kích thích và tự tử. Học sinh có thể lo ngại về việc đến trường.
“Không có lý do gì để đăng và chia sẻ bất cứ nội dung nào có tính chất bắt nạt, bạo lực học đường lên mạng. Chúng tôi sẽ yêu cầu gỡ bỏ tất cả tài khoản vi phạm vì sự an toàn của học sinh”, Geoff Barton, Tổng thư ký của Hiệp hội Các nhà lãnh đạo trường học và đại học (ASCL), cho biết.
Thử thách “Devious licks” lan truyền trên TikTok vào năm ngoái xúi giục học sinh phá hoại tài sản của trường. Ảnh: Aldergrove Star. |
Tháng 9 năm ngoái, TikTok cũng là nơi lan truyền thử thách “Devious licks” nhằm xúi giục học sinh trên khắp nước Mỹ phá hoại tài sản của trường, đặc biệt là nhà vệ sinh.
Dù tuyên bố ngăn chặn xu hướng này, TikTok không thể nhanh chóng xóa tất cả video liên quan. Các clip cũng nhanh chóng lan truyền sang nền tảng khác và khiến các trường học đau đầu.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy
TS Kirsty Ross, giảng viên cao cấp về tâm lý học lâm sàng tại ĐH Massey (New Zealand), cho biết TikTok ban đầu có nghĩa là nơi sản sinh ra sự sáng tạo và vui nhộn. Nhưng nền tảng này nhanh chóng trở nên đen tối khi trẻ em tiếp xúc với các hành vi bất hợp pháp.
“Cách TikTok được thiết kế tiềm ẩn nhiều vấn đề. Khi mở ứng dụng, bạn lập tức được đề xuất các video ở mục ‘Dành cho bạn’. Những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nội dung xấu có thể thấy lo lắng và căng thẳng. Các em cũng có thể chán ăn, ngủ không sâu giấc, không thích giao tiếp xã hội và không thể tập trung ở trường”, bà nói.
Ngoài ra, TikTok còn có nhiều tác động tiêu cực tiềm ẩn, theo Parents.
Gây nghiện: Ứng dụng tự hào có “nguồn cấp vô tận”, học sinh và sinh viên có khả năng dành nhiều thời gian lên mạng, thậm chí nghiện xem video hàng giờ liền.
Bắt nạt: Học sinh đang bị bắt nạt trên TikTok. Một số chế nhạo video của nhau, trong khi số khác tạo video chỉ để chế giễu bạn học.
So sánh: Nhiều học sinh quay video gây sốc, thậm chí nguy hiểm để có thêm lượt thích và theo dõi. Một số thử thách không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Lo ngại về an toàn: TikTok có thể dễ dàng bị kẻ gian lợi dụng để gạ gẫm trẻ vị thành niên qua tin nhắn. “Không có giới hạn nào về việc ai có thể tham gia ứng dụng và nó được sử dụng trên phạm vi quốc tế”, chuyên gia gia đình kỹ thuật số Theresa Desuyo, giải thích.
Sức khỏe tâm thần: Một số chuyên gia cảnh báo người dùng dễ dàng bắt gặp nội dung độc hại có thể thúc đẩy các vấn đề như tự làm hại bản thân hoặc rối loạn ăn uống.
Thanh thiếu niên đối mặt nhiều nguy cơ xấu khi tiếp xúc với TikTok mà không có sự quản lý của cha mẹ. Ảnh: Newsweek. |
Theo UNICEF, khi bị bắt nạt trên mạng, người trẻ có thể trốn học, tìm đến chất gây nghiện như rượu và ma túy hoặc hành vi bạo lực để đối phó với nỗi đau về tâm lý và thể chất. Ảnh hưởng của mối đe dọa trực tuyến đối với sức khỏe tâm thần có thể khác nhau tùy thuộc phương tiện được sử dụng. Ví dụ, bắt nạt qua tin nhắn hoặc hình ảnh, video trên mạng xã hội được chứng minh là rất có hại cho thanh thiếu niên.
TikTok hiện là mạng xã hội hot nhất dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2022 từ Security.org, trong số tất cả mạng xã hội, trẻ em trên nền tảng này có khả năng bị lạm dụng trực tuyến lên tới 64%.
Do đó, để tránh nguy cơ xảy đến với con cái trong độ tuổi học sinh, các bậc cha mẹ có thể hành động bằng cách:
- Tạo tài khoản TikTok và dùng thử để trải nghiệm.
- Yêu cầu con cái cho xem ứng dụng, những gì chúng thích và đang theo dõi.
- Nói chuyện với con về giới hạn thời gian sử dụng điện thoại và cài đặt ứng dụng để giúp điều chỉnh thời lượng dành cho TikTok.
(Theo Zing)
Vụ bạo lực tại trường quốc tế ở TP.HCM biến thành bắt nạt trực tuyến
Không được giải quyết thỏa đáng vì sự thiếu thấu hiểu, tinh tế của các bên liên quan, vụ học sinh xô xát tại trường Quốc tế TP.HCM dần trở thành cyberbully (bắt nạt trên mạng).