Trào lưu trang điểm, vẽ tàn nhang trên khuôn mặt bằng henna bùng nổ từ TikTok và sau 2 năm vẫn chưa hề hạ nhiệt. Trên nền tảng này, hashtag #hennafrepris, #henna có lần lượt 159 triệu và 6,6 tỷ lượt xem.
Theo SCMP, kiểu làm đẹp này đi theo sau các xu hướng liên quan khác như xăm henna và henna trắng (một chất keo dính trên da tạm thời). Dễ dàng nhận thấy người tham gia trào lưu hầu hết là người da trắng. Họ sử dụng henna để vẽ tàn nhang, nhiều người vẽ chi chít khắp mặt tạo cảm giác đáng sợ.
Nhiều người dùng TikTok theo đuổi trào lưu vẽ tàn nhang trên khuôn mặt bằng henna. Ảnh: TikTok. |
Sự phản đối từ người châu Á
Henna là một loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ thực vật, được nhiều nền văn hóa ở các lục địa sử dụng như một hình thức nghệ thuật trên cơ thể trong nhiều thiên niên kỷ qua.
Đối với nhiều cộng đồng người tại Nam Á, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi, henna mang ý nghĩa truyền thống tốt đẹp. Do vậy, họ tỏ rõ sự phản đối khi thấy một số người da trắng sử dụng henna để làm đẹp sai cách thức và mục đích, thiếu tôn trọng giá trị truyền thống.
Tháng 1/2022, Jasmine Diviney, 20 tuổi, một người Australia gốc Ấn, xem được đoạn video về vẽ henna trên mạng xã hội. Trong video, cô gái người da trắng than phiền về việc dùng henna để vẽ tàn nhang kín mít trên khuôn mặt và sau đó không thể xóa đi.
Những đốm tàn nhang từ henna nhận phản ứng từ người dân Nam Á. Ảnh: TikTok. |
Tức giận trước hành động này, Diviney phản hồi về video trên: "Ngay từ đầu, người Ấn Độ đã dạy bạn rằng đừng sử dụng henna như thế. Nhưng có vẻ bạn muốn học theo cách khó khăn hơn. Ở nơi chúng tôi, không ai vẽ henna lên mặt như vậy cả".
Lakshmi Nair, 18 tuổi, một cô gái Ấn Độ ở Canada, cũng lên tiếng chỉ trích trào lưu vẽ tàn nhang bằng henna trên TikTok. Cô cho rằng việc sử dụng henna với mục đích sai lệch, không đúng cách sẽ làm người khác mất đi hình tượng tốt đẹp về văn hóa Ấn Độ nói chung và truyền thống vẽ henna nói riêng.
Ome Khan, 30 tuổi, một người Mỹ gốc Pakistan, ra đường với bàn tay, bàn chân được vẽ henna. Thế nhưng chị lại bị nhiều đứa trẻ chế nhạo vì những hình vẽ henna của mình. Theo chị, chính hình ảnh xấu xí về tàn nhang henna trên mạng xã hội đã khiến những đứa trẻ hiểu sai lệch về văn hóa thẩm mỹ này.
Cảnh báo từ bác sĩ da liễu
Theo nghiên cứu từ Đại học St. Thomas, Canada, henna - được gọi là mehndi trong tiếng Hindi và Urdu - thường được vẽ lên bàn tay, bàn chân trong lễ kỷ niệm và đám cưới ở các cộng đồng người Nam Á. Các nền văn hóa Trung Đông và châu Phi cũng sử dụng nó để nhuộm tóc, móng tay và vải.
Còn theo tạp chí làm đẹp Allure, không phải loại henna nào cũng an toàn khi vẽ trên da mặt. Bác sĩ da liễu Melanie Palm (San Diego, Mỹ) cho biết nhiều loại henna chỉ được sử dụng cho tóc hoặc móng tay, tuyệt đối không được bôi lên mặt.
"Loại henna đen được điều chế từ cây móng đen, khi tiếp xúc với da mặt có thể gây dị ứng và nhiều phản ứng khác. Mức độ kích ứng phụ thuộc vào nồng độ và thời gian henna bám trên da. Nếu gặp tình trạng nghiêm trọng, người bệnh có thể bị chảy dịch, viêm, đỏ da, đau hoặc ngứa dữ dội", bà cho biết.
Trong truyền thống, henna thường được dùng để vẽ lên bàn tay, bàn chân trong một số dịp quan trọng. Ảnh: Shutterstock. |
Bác sĩ Palm nói thêm ngay cả loại henna để vẽ lên tay, chúng ta cũng phải tìm mua ở một nơi uy tín. Cách tốt nhất để tránh rủi ro là tìm đến một nghệ nhân henna chuyên nghiệp và hiểu biết. Họ là người tự điều chế ra loại henna của riêng mình từ thành phần tự nhiên, biết được loại nào phù hợp cho da.
(Theo Zing)
Những tác động tiêu cực của TikTok tới não bộ
Việc các nền tảng video ngắn như TikTok hay Reels trở nên phổ biến trong những năm gần đây khiến nhiều người dùng khó có thể đặt điệntik