Thông tin về con số hơn 2.000 tỷ lãng phí từ SGK dùng 1 lần vừa được công khai tuần qua không làm dư luận quá đỗi ngạc nhiên.
Bởi chúng ta đã từng choáng ngợp trước câu chuyện nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) trong năm 2021 đạt doanh thu 1.800 tỉ đồng, lãi ròng tới 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành SGK.
Sau 2 năm dịch bệnh hoành hành khiến đời sống nhân dân khó khăn đủ bề, nhưng xuất bản SGK, sách tham khảo và các ấn phẩm khác vẫn lãi 287 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch đề ra.
Còn nhớ, hồi tháng 5/2022, bộ SGK lớp 3, 7 và 10 lại được dịp nóng lên sau khi NXB Giáo dục công bố giá cho năm học mới. Theo đó, giá mỗi bộ sách theo Chương trình 2018 (chưa kể sách ngoại ngữ) tăng gấp 2-3 lần so với sách cũ.
Dù bộ sách mới được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường kênh hình với nhiều hình thức trình bày, minh họa sinh động theo yêu cầu của chương trình mới, nhưng nỗi lo giá sách đẩy gánh nặng chi phí cho việc học lên cao trong lòng phụ huynh vẫn lớn hơn.
Nếu tính cả giá sách bài tập, sách nâng cao, sách tham khảo cùng bộ sách ngoại ngữ luôn cao chót vót và nhiều đồ dùng học tập đính kèm, thì quả thật khoản tiền mỗi gia đình phải chi ra khi một đứa trẻ bước vào năm học là không hề nhỏ.
Mỗi đứa trẻ đến trường đâu chỉ cần SGK. Các con còn phải sắm đồng phục, giày dép, cặp sách. Bố mẹ các con còn phải đóng hàng loạt khoản tiền trường, tiền lớp được công khai lẫn không công khai.
SGK là sản phẩm không thể không mua cho con trẻ đến trường. Giá thành vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng mỗi đầu sách ấy nếu nhân cho hơn 20 triệu học sinh phổ thông cả nước lại là con số khổng lồ.
Bởi vậy, quyết định niêm yết giá, điều chỉnh giá SGK là vấn đề nhạy cảm tác động lớn đến toàn thể xã hội cần tính toán kỹ càng, cẩn trọng!
Bên cạnh đó là cách bán SGK kèm sách tham khảo được đóng gói thành combo phát hành trong trường học nhiều năm liền khiến phụ huynh bức xúc bởi có nhiều quyển hết năm học vẫn chẳng đụng đến.
Phụ huynh "viêm màng túi"
Kiểu bán sách như “bia kèm lạc” như thế buộc phụ huynh rút ví móc tiền đến “viêm màng túi” suốt bao năm qua.
Một phụ huynh ở ngoại thành Hà Nội có con học tiểu học nhận được bảng thông báo số đầu sách cần mua đến 24 cuốn, trong khi số sách được quy định bắt buộc chỉ 8 cuốn.
Đó chỉ là một lát cắt nhỏ phản ánh gánh nặng về chi phí học hành của con trẻ đeo mang khiến phụ huynh oằn vai gánh gồng.
Rõ ràng là mỗi quyển sách chỉ thêm vài nghìn đồng, vài chục nghìn và mỗi bộ sách chỉ tăng vài trăm nghìn sẽ không đáng là bao so với mức sống đang cải thiện đáng kể hiện nay của một bộ phận người dân.
Nhưng thực tế là giá SGK đang bị đẩy lên quá cao so với điều kiện kinh tế của số đông. Không phải tất cả các gia đình đều có điều kiện, dư dả tiền bạc để “vung tay” mua sách theo combo cho con trẻ đến trường!
Nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19, việc người lao động vất vả duy trì miếng cơm manh áo đã là một nỗ lực lớn lao. Hiểu được cái khó của người lao động, nhiều tỉnh thành 2 năm qua đã quyết định miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên.
Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ, câu chuyện lãng phí SGK cũng đã đến lúc phải có điểm dừng.
Thanh Ny