Chiều 27/6, với 464/464 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Luật có bố cục gồm 7 chương với 86 điều, quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Theo luật này, sẽ ưu tiên tuyển dụng nhà khoa học, chuyên gia, người lao động có tay nghề cao để phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được khuyến khích tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh trong lĩnh vực công nghệ cao.

202406271437207985_z5578983114407_cfa1792c91ac9117381e675b4526530b.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật. Ảnh: Quốc hội

Luật dành một điều khoản quy định về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh tại cơ sở nòng cốt.

Với chuyên gia, được đàm phán và hưởng lương, thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận; được Nhà nước bảo đảm nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất thực hiện nhiệm vụ; được ưu tiên bố trí nhà ở công vụ, trường hợp chưa bố trí được nhà ở công vụ mà phải thuê nhà thì được hỗ trợ tiền thuê nhà ở; được hỗ trợ phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nếu có nguyện vọng phục vụ lâu dài thì chuyên gia đó được xem xét tuyển dụng giữ chức vụ của sĩ quan và ưu tiên phong cấp bậc quân hàm.

Ngoài ra, chuyên gia còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nhà khoa học đầu ngành và tổng công trình sư cũng được hưởng chính sách theo quy định.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết mức tối đa tiền lương cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước.

Lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh cho nhiệm vụ cấp bách

Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh là không vì mục đích lợi nhuận và được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, phân bổ và sử dụng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Về đất sử dụng cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập, tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong đó có đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt.