Sản xuất tại Công ty TNHH Smart Shirts Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Hiện nay, 100% công chức Chi cục Hải quan Nam Định thành thạo việc sử dụng và khai thác số liệu tại các phần mềm công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Toàn bộ hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng và sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan...

Việc vận hành thông suốt các ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần minh bạch trong các khâu nghiệp vụ hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập khẩu, đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Hướng tới mô hình “hải quan số”, “hải quan thông minh”, Chi cục đã triển khai hiệu quả hệ thống Net.Office, EdocCustoms tập trung. Theo đó, toàn bộ công văn đi và đến đều chuyển hóa thành file điện tử; việc cập nhật, chuyển luồng, phê duyệt văn bản nhanh chóng, giảm thời gian phê duyệt văn bản, chi phí văn phòng phẩm, công chức chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Chi cục cũng sử dụng ứng dụng máy chủ để lưu trữ, cập nhật các quy trình nghiệp vụ hải quan, sổ theo dõi phục vụ công tác chuyên môn; tích hợp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai phần mềm quản lý văn bản và truyền dữ liệu đúng quy định lên các hệ thống để tích hợp.

Đồng thời, xây dựng kho dữ liệu để lưu trữ đầy đủ dữ liệu điện tử của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin Hải quan.

 


Cán bộ Chi cục Hải quan Nam Định ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, giảm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan nhanh chóng, Chi cục Hải quan Nam Định đã đẩy mạnh tuyên truyền đến doanh nghiệp thực hiện việc nộp thuế 24/7; đơn giản hóa thủ tục hải quan, nâng cao hiệu quả quản lý thông qua Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS với 100% quy trình thủ tục hải quan được tự động hóa qua hệ thống này.

Hệ thống thông quan tự động do Nhật Bản tài trợ xây dựng, có kết nối với cơ chế “một cửa” Quốc gia, hỗ trợ người khai hải quan tối đa trong khâu khai báo như tự động bổ sung thuế suất, tỷ giá tính thuế, tự động tính toán trị giá tính thuế, số thuế phải nộp, tự động cảnh báo với những tiêu chí khai chưa chính xác…

Ngoài ra, Hệ thống cũng giúp tăng tính chủ động và giảm thời gian thông quan. Do VNACCS tự động kiểm tra, cấp số và phân luồng tờ khai 24/7 nên người khai hải quan có thể khai báo bất cứ đâu, bất cứ khi nào đều nhận được phản hồi ngay.

Triển khai VNACCS/VCIS cũng đã hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ hải quan; đại diện doanh nghiệp có thể ngồi tại trụ sở để khai báo, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ phản hồi kết quả.

Nếu được phân vào “luồng xanh”, doanh nghiệp in kết quả và ra cửa khẩu lấy hàng luôn; khi nào bị phân vào “luồng vàng” và “luồng đỏ” thì doanh nghiệp mới phải tới cơ quan hải quan để xử lý.

Ngoài ra, Chi cục còn vận hành ổn định, hiệu quả các Hệ thống dịch vụ công ngành Hải quan như: Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thanh toán điện tử 24/7; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến…

Chi cục Hải quan Nam Định cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình “Nộp thuế điện tử từ doanh nghiệp nhờ thu” của Tổng cục Hải quan; tiếp tục triển khai Hệ thống miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý nộp thừa thuế điện tử.

Qua đó giúp giảm thời gian xử lý nghiệp vụ hải quan theo hướng tự động, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm thủ tục xuất, nhập khẩu trên địa bàn.

Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, Chi cục Hải quan Nam Định đã triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác cải cách hành chính.

Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan theo Kế hoạch của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thời gian và chi phí liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa. Hiện nay, Chi cục Hải quan Nam Định đang thực hiện 151 thủ tục hành chính do Bộ Tài chính quy định.

Toàn bộ các thủ tục hành chính được công khai, cập nhật niêm yết đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính.

Chi cục cũng hướng dẫn tra cứu thực hiện theo phân cấp quản lý đối với bộ thủ tục hành chính được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của ngành theo quy định của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và các quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có liên quan.

Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tiếp cận tìm hiểu thông tin, tuân thủ thủ tục hành chính và giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Chi cục Hải quan Nam Định đã làm thủ tục hải quan cho hơn 67 nghìn tờ khai hàng hóa xuất, nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 2 tỷ 569 triệu USD; tổng số thuế thu nộp vào ngân sách Nhà nước gần 346 tỷ đồng, đạt 51,64% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu là sản phẩm ngành dệt, may; sản phẩm gỗ đã qua chế biến, dăm gỗ... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải, nguyên, phụ liệu ngành may, sợi bông, nhựa nguyên liệu, nguyên liệu da, nguyên, phụ liệu sản xuất nến, máy móc thiết bị ngành dệt may, hóa chất, nguyên liệu sản xuất tân dược...

Kết quả này thể hiện rõ những cố gắng nỗ lực của cán bộ, công chức Chi cục Hải quan Nam Định trong quá trình đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất sau đại dịch, thích ứng linh hoạt với tác động tiêu cực từ kinh tế thương mại toàn cầu.

Thời gian tới, Chi cục Hải quan Nam Định tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ theo lộ trình xây dựng tại Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan của Cục Hải quan Hà Nam Ninh đến năm 2025.

Tập trung nâng cấp trang thiết bị thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hải quan tại đơn vị, đáp ứng các chỉ số kế hoạch phát triển hiện đại hóa toàn ngành theo định hướng hải quan số.

Bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng chuyên sâu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

 Theo Ngọc Ánh (Báo Nam Định)