Nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, bao gồm cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu. Đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.

Tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. 

UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 

100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao. 

100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số; 100% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Phấn đấu có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa…).

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nguồn vốn thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025 gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương; vốn ngân sách địa phương; vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; vốn huy động hợp pháp khác. Thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định của pháp luật hiện hành.

Quỳnh Nga