Tại tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/11, các chuyên gia đã chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe dù, bến cóc, trong đó có việc tổ chức các bến xe, giao thông công cộng chưa hợp lý.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, việc tổ chức và bố trí các bến xe xa khu vực mà người dân đang sinh sống là một bất cập.

Các khách mời tại tọa đàm

Thêm vào đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lại không quan tâm bố trí các điểm đón, trả khách. Trong khi Nghị định 86, mới đây là Nghị định 10 lại thiếu quy định về việc các địa phương phải quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải.

Ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh cầu lợi là nhu cầu hết sức xứng đáng nhưng vấn đề là quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả.

“Hiện nay chúng ta khai thác tốt dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thì sẽ biết ngay xe nào đăng ký vào bến, vào tuyến hay không; còn xe dù chạy đón khách ở đâu, trong chừng mực nào đó sẽ xác định được”, ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, theo ông Hùng, với các lực lượng chức năng nếu làm kỹ cũng nắm được tình trạng xe dù, bến cóc. 

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, cuối cùng vẫn luôn là ý thức của người kinh doanh nhưng vấn đề đầu tiên là phải làm tốt việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật.

Xe hợp đồng gấp 12 lần xe cố định

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT cũng nhìn nhận tình trạng xe dù, bến cóc là một chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" hiện chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm.

Trong thực tế, không có một giải pháp chung áp dụng cho mọi thành phố hay mọi tỉnh, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Bà ví dụ, TP.HCM vừa rồi chuyển bến xe Miền Đông cũ sang vị trí mới đã được xây dựng nhiều năm.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT 

“Nhưng với hàng nghìn tuyến xe cố định như vậy khi chuyển đổi rõ ràng là thay đổi thói quen đi lại của người dân rất lớn. Đặc biệt, phải đánh giá xem người dân có đi lại được không. Tôi thấy vừa rồi việc chuyển đổi chưa hợp lý”, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ nói.

Bà Hiền cũng lưu ý, thêm vào đó là việc tổ chức giao thông công cộng cho người dân để kết nối các phương thức vận tải cũng chưa kịp thời. Do bến xe mới xa quá, người dân không thể di chuyển trong điều kiện đi xuyên qua thành phố rất mất thời gian, chưa nói đến tốn kém chi phí và cùng nhiều yếu tố khác nữa.

“Theo thống kê của chúng tôi, xe tuyến cố định chỉ có 18.344 xe nhưng xe hợp đồng là 222.783 xe, gấp 12 lần so với xe cố định thì rõ ràng là khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, người ta phải chuyển sang phương thức khác là xe bus hoặc là xe hợp đồng”, bà Hiền phân tích.

Phó Cục trưởng Cục Đường bộ cho rằng, chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân nhiều người dân vẫn giữ thói quen “tiện đâu đi đó” trong khi việc điều chỉnh các vị trí đón trả khách trong thành phố phải tập trung.

“Hiện nay, tôi đề nghị các thành phố cố gắng tổ chức các điểm đón trả khách trong đô thị tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và có kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng”, bà Hiền nhấn mạnh.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, khi có hiện tượng bảo kê, lực lượng công an bằng các nghiệp vụ phát hiện ra, bên cạnh đó nhận qua tin báo tố giác của người dân.

“Tôi khẳng định, tất cả các tin nhắn hay tin báo tố giác liên quan đến cò mồi, bảo kê... các lực lượng chức năng của Bộ Công an như cảnh sát hình sự sẽ nắm bắt, xác minh, làm rõ để đảm bảo các hiện tượng đó được xử lý theo pháp luật”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nói.