Xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị nông sản

Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều sản vật quý, có giá trị kinh tế cao, như bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn;… Trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục giữ vai trò là chương trình trọng tâm, trụ cột và dẫn dắt kinh tế nông thôn phát triển. 

Thông qua chương trình OCOP, các sản vật của Hà Tĩnh ngày càng được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị.

banh da vung den hanh tam huyen can loc ha tinh.jpg
Sản phẩm bánh đa vừng Hạnh Tâm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021.

Gia đình ông Lê Minh Tâm ở thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) có nghề phụ là làm bánh đa, làm miến. Với mong muốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm từ đó nâng cao thu nhập, năm 2020, ông Tâm đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và sân phơi rộng hàng trăm mét, đồng thời mua sắm thêm các loại máy móc hiện đại như: máy rắc vừng, máy sấy... 

Được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất bánh đa mang tên Hạnh Tâm đã xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Vào cuối năm 2021, sản phẩm bánh đa vừng Hạnh Tâm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho sản phẩm và có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Huyện Can Lộc xác định tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời thông qua chương trình có thể mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản. 

Hơn thế nữa, OCOP là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Can Lộc đã sớm ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất; tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. 

Đồng thời, huyện tập trung quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng sản phẩm OCOP

Chính vì vậy, sau một thời gian triển khai thực hiện, chương trình OCOP của huyện Can Lộc đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. 

Theo đó, các xã, thị trấn đã triển khai Chương trình OCOP theo quy mô, điều kiện thực tế của từng địa phương với nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân. Các hoạt động hỗ trợ cũng được tổ chức thực hiện có chiều sâu, việc lựa chọn đăng ký sản phẩm, đơn vị tham gia đáp ứng yêu cầu, nội dung của chương trình.

Để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp thị trường và tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng được huyện Can Lộc tập trung thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau như: sàn thương mại điện tử, gắn kết sản phẩm OCOP với các điểm tham quan, du lịch... Đặc biệt là nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm.

Ông Ngô Xuân Hải, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới huyện Can Lộc cho biết: Đến nay, toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP 3 sao, 1 sản phẩm OCOP 4 sao.

 Hiện toàn huyện có 4 cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP. Đây là kênh giới thiệu sản phẩm hữu hiệu. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từng bước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp

Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh tuy mới triển khai thực hiện chưa được bao lâu nhưng chương trình có tầm quan trọng rất lớn, không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn giúp các địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, chủ động của người dân. Nhất là lan tỏa được thương hiệu sản phẩm của địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

buoi phuc trach huong khe ha tinh.jpg
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tính có 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh, năm 2019, Hà Tĩnh mới có 140 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình thì chỉ có 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 69 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên đến nay, Hà Tĩnh đã có 286 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao, 272 sản phẩm 3 sao. 

Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 20 cửa hàng phân phối OCOP theo chuỗi. Theo đánh giá, doanh số bán hàng của 100% cơ sở tăng bình quân từ 40% trở lên so với trước khi tham gia OCOP. 

Điều đáng nói là, không chỉ tự tin với thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn tìm được thị trường xuất khẩu như: Bánh ram Anh Thu, cu đơ Bà Hường, nước mắm Luận Nghiệp… 

Mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, trong đó, 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. 

Theo đánh giá trên thị trường, các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đều được quản lý chặt chẽ theo quy chế quản lý sản phẩm và truy xuất các thông tin thông qua hệ thống tem mã QR do Văn phòng Nông thôn mới quản trị, đảm bảo công khai thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho người tiêu dùng. 

Những năm qua, để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, các địa phương ở Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi để tăng giá trị kinh tế các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản nâng cao thu nhập cho người sản xuất; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở các vùng nông thôn… Nhờ đó, tính đến năm 2022, thu nhập bình quân của Hà Tĩnh đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong phát triển kinh tế, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có hàng nghìn mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, chế biến nguyên liệu, nuôi trồng thủy hải sản. Các mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cho người nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trở thành bệ đỡ để Hà Tĩnh vững bước xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hà Tĩnh phân bổ hơn 9 tỷ đồng thực hiện chương trình OCOP năm 2023

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2023, tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp theo nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình OCOP như sau: Phân bổ các đơn vị cấp tỉnh 532 triệu đồng; cấp huyện 8,478 tỷ đồng, gồm: Hương Sơn 1,643 tỷ đồng, Đức Thọ 935 triệu đồng, Kỳ Anh 935 triệu đồng, Thạch Hà 850 triệu đồng, Can Lộc 786 triệu đồng, Cẩm Xuyên 744 triệu đồng, Nghi Xuân 489 triệu đồng, Lộc Hà 489 triệu đồng, Vũ Quang 460 triệu đồng, Hương Khê 234 triệu đồng, thành phố Hà Tĩnh 510 triệu đồng, thị xã Kỳ Anh 212 triệu đồng và thị xã Hồng Lĩnh 191 triệu đồng.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV