12 tuổi tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu 

Theo báo cáo về công tác sức khỏe học sinh năm học 2021-2022 do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố, tình trạng học sinh thừa cân - béo phì tại TP.HCM chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường. 

Về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ông cũng từng khám cho trẻ mới học cấp 1 nhưng cân nặng như người trưởng thành. Một số bé chỉ 12-13 tuổi nhưng nặng 60-70 đến khám vì mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Khi kiểm tra, bác sĩ nhận thấy các bệnh nhi này đã có hiện tượng tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. 

Ngoài ra, trẻ béo phì còn có thể mắc các bệnh như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn cơ xương khớp. Đặc biệt, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận, ung thư đại tràng.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng cho biết thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mỡ vượt mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân là mất cân đối giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Thực tế, các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ngày càng tăng lên. Theo bác sĩ Hưng, tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng, rất nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến đây vì các lý do khác nhau nhưng hầu hết đều có điểm chung là mang thân hình khổng lồ.

Tình trạng trẻ béo phì ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Đái tháo đường vì béo

BS Hưng chia sẻ anh từng khám cho trẻ mới 11 tuổi, đến từ Phú Thọ, nặng hơn 60kg. Vùng cổ, nách của bé xuất hiện các lớp da đen sạm. Gia đình nghĩ con ham chơi, tắm rửa không sạch nhưng thực ra đây là các gai đen do tình trạng béo phì, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đái tháo đường ở trẻ. Kết quả xét nghiệm máu cũng cho thấy chỉ số đường huyết của bé tăng đột biến. Gia đình cho biết mỗi bữa bé ăn 3-4 bát cơm, chưa kể thực phẩm khác như thịt, cá, rau, quả.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng cha mẹ cần có cái nhìn khác về chế độ dinh dưỡng cho con. Bởi trẻ thừa cân béo phì chủ yếu do ăn quá nhiều, lười vận động. Bác sĩ Hưng từng nghe nhiều phụ huynh tranh luận họ đã mua những thực phẩm tốt nhất cho con mình ăn và đó là "các loại được nhiều người chia sẻ tốt". Tuy nhiên, họ không có thói quen đọc các thành phần dinh dưỡng, tổng calo của thực phẩm.

Theo bác sĩ Hưng, việc giảm cân cho trẻ cũng là vấn đề nan giải. Cha mẹ cần đồng hành với con để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động. Bữa ăn cần có đủ rau xanh, tinh bột, đạm và chất béo. Ngoài ra, cha mẹ nên cố gắng cân đối giữa việc học tập và chơi thể thao, hạn chế cho trẻ xem tivi, điện thoại.

Cha mẹ có thể cho trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa dinh dưỡng để được hỗ trợ thăm khám và tư vấn. Các bác sĩ sẽ đưa ra chế độ ăn trong việc kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống cho từng trẻ cũng như chế độ vận động giúp trẻ phòng ngừa hoặc điều trị béo phì.