Sáng 1/8, UBND TP.HCM đã tổ chức sơ kết tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hôm nay là ngày có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thành phố, khi Nghị quyết 98 bắt đầu có hiệu lực.
Do đó, ông yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải thay đổi nhanh, quyết tâm thực hiện để đạt kết quả cao nhất. Trước mắt, UBND TP sẽ sớm tham mưu Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết của riêng thành phố, với Trưởng ban là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
Thành lập Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia hàng đầu giúp thành phố triển khai nghị quyết.
“Chúng ta cần xem Nghị quyết 98 như là một dự án lớn để thúc đẩy việc triển khai nhanh, đạt hiệu quả cao. Thành phố sẽ mời tư vấn giúp quản lý và giám sát độc lập việc triển khai nghị quyết này”, Chủ tịch TP.HCM khẳng định.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các sở, ngành và các địa phương cũng thành lập ban chỉ đạo riêng, để thống nhất trong chỉ đạo hành động. Dù hôm nay Nghị quyết 98 có hiệu lực, nhưng thành phố đã chủ động triển khai được nhiều phần việc.
Cụ thể, thành phố đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết do Thủ tướng làm trưởng ban; tham mưu Chính phủ để ban hành các Nghị định hướng dẫn cụ thể các bước triển khai.
Tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị triển khai nghị quyết; trình HĐND ban hành Nghị quyết 18 về các bước triển khai nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND và thành phố.
UBND TP cũng đã xác định các đầu việc cụ thể, giao cho từng sở, ngành, địa phương triển khai theo phần việc của mình.
Với nhiệm vụ trong tháng 8 và thời gian tới, Chủ tịch TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương chuyển tâm thế tập trung hành động, ưu tiên việc triển khai Nghị quyết 98.
Ông yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cần tổ chức các buổi tọa đàm, nghe chuyên gia tư vấn để chọn đúng trọng tâm, có cách làm phù hợp trong triển khai.
Đối với TP Thủ Đức, ông Phan Văn Mãi cho rằng, nhiệm vụ còn cao hơn các địa phương khác. Do đó, cần sớm báo cáo việc thành lập Ban Chỉ đạo riêng, thành lập các Tổ công tác riêng và có chuyên gia làm thành viên.
Đến tháng 9 phải giải quyết hết tồn đọng
Trước đó, điểm qua tình hình kinh tế-xã hội, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tháng 7 tiếp tục đà tăng trưởng tích cực. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tốt, thu ngân sách có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, ông Mãi nhận định, tình hình phía trước vẫn còn khó khăn. Trong đó, một số chỉ tiêu chưa đạt, nhất là đầu tư công tuy có tăng, nhưng chưa đạt mục tiêu.
Thành phố có sự cố gắng trong giải quyết các tồn đọng cho doanh nghiệp, người dân nhưng kết quả chưa như mong muốn.
Công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch chung của thành phố tiến độ đang chậm so với yêu cầu. Theo ông, quy hoạch chậm kéo theo tiến độ đầu tư công, đầu tư tư cũng dậm chân tại chỗ.
Qua đó, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; rà soát hoàn thiện các bước quy hoạch chung…
Đặc biệt, ông Mãi yêu cầu Sở TN-MT và Sở Xây dựng tập trung giải quyết 70 dự án bất động sản đang bị vướng, nhằm giúp phát triển ổn định thị trường này.
“Cơ bản đến tháng 9 phải giải quyết hết tồn đọng. Các tổ công tác chuyên ngành cần phải họp 2 tuần/lần để giải quyết. Riêng Tổ công tác thuộc UBND TP sẽ họp hàng tuần để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, công bố kết quả giải quyết công khai để người dân và báo chí theo dõi", Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo.
Về giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị hết sức tập trung, vì đầu tư công là động lực dẫn dắt đầu tư tư. Trong đó, cần xác định trách nhiệm các đơn vị, chủ đầu tư chưa đạt hiệu quả giải ngân để xử lý trách nhiệm.
Về khiếu nại, khiếu kiện, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết và báo cáo kết quả lên thành phố, chậm nhất ngày 15/8. Trong đó, đặc biệt chú ý hai vụ khiếu nại, khiếu kiện lớn ở Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao của TP Thủ Đức.