Hội nghị diễn ra vào thời điểm thế giới và khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, các cuộc xung đột dân tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, cạnh tranh kinh tế, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và tài nguyên... cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp...
Tại phiên họp toàn thể, lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước thành viên AIPA đều nhất trí cho rằng, những thách thức này đòi hỏi những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế và nhất là các bên liên quan hợp tác chặt chẽ, tuân thủ luật pháp quốc tế, đối thoại hòa bình và hành xử có trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA năm 2022 của nước chủ nhà Campuchia cũng như nỗ lực bền bỉ và quyết tâm hành động của các thành viên ASEAN để cùng ứng phó các thách thức vì hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Nhắc lại câu tục ngữ “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không một quốc gia nào có thể tự mình đơn độc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Sự đoàn kết, gắn bó và tương hỗ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp ASEAN thành công.
Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, bước vào năm thứ 7 trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Chủ tịch Quốc hội nhận định, ASEAN đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện, trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, một nền kinh tế sôi động và hội nhập cao, một cộng đồng bao trùm, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, là đối tác tin cậy đối với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phát huy các kết quả đã đạt được, với khát vọng về hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng,với tinh thần đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, chúng ta - những công dân trong mái nhà chung ASEAN tiếp tục cùng nhau gánh vác trọng trách xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết, năng động, chủ động thích ứng, tự cường, bao trùm và phát triển bền vững.
Trong hành trình phát triển của ASEAN, các Quốc hội, Nghị viện của ASEAN với vai trò là những nhà lập pháp đã và đang góp phần xây dựng nền tảng pháp lý chung cho ngôi nhà ASEAN.
AIPA chính là hình mẫu điển hình cho hợp tác liên nghị viện khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN; đồng hành, chung tay cùng Chính phủ các nước ASEAN đối phó với các khó khăn, thách thức...
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam với vai trò và trọng trách của mình, sẽ nỗ lực thực hiện các cam kết cũng như những Nghị quyết mà Đại hội đồng AIPA 43 sẽ thông qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 5 đề xuất với AIPA gồm: tầm quan trọng của việc củng cố mối đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết. Thúc đẩy vai trò giám sát của các Nghị viện đối với triển khai thực hiện các Kế hoạch tổng thể của ASEAN trên cả 3 trụ cột, chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Củng cố, đổi mới hơn nữa tổ chức và hoạt động của AIPA, tăng cường sự phối hợp và quan hệ giữa kênh lập pháp và hành pháp của các nước trong khu vực, nhất là hợp tác trong tận dụng cơ hội, khắc phục rủi ro trong lĩnh vực chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tích cực, chủ động quan tâm thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, triển khai có hiệu quả các chính sách và pháp luật về giới, tăng cường tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, thanh niên trong các cơ quan lập pháp và hành pháp.
Đẩy mạnh tuyên truyền về AIPA, ASEAN tới mọi người dân, đặc biệt là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ. Năm 2023, Việt Nam sẽ đăng cai Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu của IPU. Chủ tịch Quốc hội mong muốn nghị viện các nước thành viên AIPA và các đối tác tích cực đồng tình, ủng hộ và tham gia sự kiện hết sức quan trọng này.
>> XEM TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: TẠI ĐÂY