Trong những lần xuôi ngược miệt Cửu Long, tôi luôn mang theo hồi ức về điệu hò khắc khoải của má tôi cùng tiếng thở dài trầm đục của ba tôi.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu chùm bài 5 kỳ Chìm nổi những phận sông của tác giả Trương Chí Hùng.
Tôi ý thức hình hài này do ba má tạo ra và sông đã rộng lượng cưu mang chúng tôi biết bao năm tháng. Bởi vậy, tôi thấy đau đớn xót xa khi nhìn những dòng sông từng ngày hấp hối.
Càng về phía hạ nguồn, các nhánh sông Hậu, sông Tiền hầu như đều trôi rất chậm. Tôi từng nghĩ, lúc này sông không còn cái hăm hở vụng dại như thuở thiếu thời, mà bắt đầu mang dáng vẻ điềm nhiên, tĩnh lặng của nhà minh triết.
Cũng có thể, dòng nước kia đã quá mỏi mệt sau hành trình dài hàng ngàn cây số, từ các đỉnh núi tuyết vĩnh cửu nơi cao nguyên Thanh Tạng xuôi tới miệt này.
Những lần ngang qua khúc sông sát cửa biển, tôi miên man nhìn dòng nước trắng đục nhởn nhơ trôi như biết mình sắp hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng.
Ôi! Từng hạt nước kia phải chăng đã vượt qua muôn vạn thác ghềnh, qua những đập thủy điện như bao nhát dao chém xuống dòng sông, qua những rác rưởi thị phi, hóa chất ngập ngụa, qua những xung điện, vòi hút cát khổng lồ, qua lọp, lờ, đăng, đó, chà gào, câu lưới. Và qua những phận người chấp chới khắp triền sông?
Tôi từng bần thần rất lâu khi đọc được số liệu thống kê trong 10 năm qua có đến hơn một triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long rời bỏ quê hương, xiêu tán khắp nơi. Số dân đó tương đương dân số một tỉnh, trong mười ba tỉnh thành ở khu vực này.
Trong những người đã bị bứng khỏi miền Tây ấy, có anh chị tôi, em út tôi, con cháu tôi. Những gia đình nhỏ bồng bế, dắt díu rời nơi chôn nhau cắt rốn để tới những phương trời vô định, chẳng thể biết tương lai sẽ ra sao. Họ vẫn đi, hết tốp này đến tốp khác, bởi quê nhà không còn kế sinh nhai, những con sông nuôi nấng họ bao đời giờ đây không còn cưu mang nổi họ.
Hàng ngàn đứa trẻ miền Tây ngơ ngác theo cha mẹ lên các khu công nghiệp, đối mặt với cảnh thất học và nhiều hệ lụy khác. Kết cấu văn hóa xã hội vùng Đồng bằng bị đảo lộn do di dân. Những xóm làng giờ chỉ còn người già và trẻ con bám trụ là điều không hiếm gặp. Tương lai miền Tây rồi sẽ ra sao? Đó là câu hỏi đau đáu ám ảnh tôi một thời gian dài.
Như chúng ta đã biết, với Đồng bằng sông Cửu Long, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước đây, mùa nước nổi hàng năm kéo dài từ khoảng tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch, bồi đắp lượng phù sa rất lớn cho đồng bằng châu thổ, giúp ruộng vườn tươi tốt quanh năm. Cá tôm cũng theo con nước về nhiều vô số kể, bà con tha hồ đánh bắt.
Khi nước nổi không nhiều, lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng giảm đi đáng kể. Bà con lại sản xuất theo kiểu bao đê khép kín, khiến nước không thể vào đồng trong nhiều năm làm đất cỗi cằn. Để đảm bảo năng suất, bà con tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Lúa không mất mùa nhưng chi phí sản xuất đội lên gấp bội, xong vụ nào trắng tay vụ đó. Nhiều người không kiên nhẫn đã bỏ ruộng đồng, đi lên thành phố làm thuê.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng dù mùa nước nổi đã giảm, nhưng lượng nước mưa hàng năm vẫn rất lớn. Trước đây vào mùa mưa và mùa nước lên, các cánh đồng được cho “nghỉ ngơi”, được lưu giữ nước lại như các hồ chứa khổng lồ. Đến mùa khô, lượng nước rút dần ra các con sông, chầm chậm trôi về hạ nguồn.
Việc bao đê hiện nay đã đẩy rất nhanh lượng nước khổng lồ trong mùa mưa ra biển. Đến mùa khô, do nước trữ lại ở thượng nguồn quá ít, không đủ tưới tắm cả đồng bằng, lại tạo cơ hội cho nước mặn “bò” vào ngày càng sâu. Hàng trăm héc ta vườn tược của bà con bị hạn mặn làm chết khô hoặc sống dặt dẹo.
Biết bao nhiêu của cải đã đổ sông đổ biển vì thiếu nước ngọt, cũng là nguyên nhân để con đường từ miền Tây lên thành phố có thêm nhiều người dắt díu nhau đi.
Nước không về nhiều thì đương nhiên cá tôm cũng cạn. Lại thêm cảnh một số người đánh bắt tận diệt, dùng xung điện, dùng các loại thuốc cá, rồi vấn nạn ô nhiễm nặng trên những dòng sông, trên những cánh đồng khiến nguồn thủy sản trù phú của miền Tây giờ đây không còn như trước. Người làm nghề hạ bạc phải bán xuồng ghe, câu lưới để ra đi, dù trong tâm thức của họ, hình ảnh dòng sông và những cánh đồng vẫn luôn da diết.
Trong mắt khách phương xa, miền Tây luôn là vùng đất chân chất, nghĩa tình, miền Tây hào sảng chịu chơi, miền Tây cây trái xum xuê, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, miền Tây trên lúa dưới cá, xuồng ba lá, áo bà ba ngân nga câu vọng cổ. Mấy ai biết được, xứ này đang phải đối mặt với những thử thách sống còn?
Nếu chúng ta không hành động quyết liệt để khu vực thượng nguồn bớt tác động vào dòng Mekong, thì tương lai gần thôi, miền Tây sẽ hoàn toàn kiệt quệ. Cũng cần nói thêm, chính người dân nơi đây có thể tự cứu lấy mình, bằng cách thay đổi thói quen sản xuất thâm canh tăng vụ, biết quý trọng nguồn nước và những sản vật mà thiên nhiên ban tặng, chứ không phải vơ vét vô tội vạ như mấy chục năm qua.
Thông điệp chín nhánh Cửu Long giáng xuống mấy năm qua đã quá đủ để cảnh tỉnh những túi tham không đáy của con người. Nếu cứ tiếp diễn, một ngày nào đó dòng sông sẽ cho chúng ta những đòn chí mạng.
Năm nay miền Tây “khát nước” vào mùa khô, bà con nhiều nơi thấy vậy nên chở nước về “tiếp tế”. Đó là những hình ảnh đẹp, nhân văn của đồng bào mình, nhưng ai cũng biết đó chỉ là giải pháp tình thế. Nghĩa là việc làm cao đẹp ấy không giải quyết được gốc gác vấn đề thiếu nước đang tái diễn hàng năm ở miền Tây.
Ngoài các nỗ lực trữ ngọt bằng hồ chứa, ngăn mặn bằng hệ thống cống đập ở những vàm sông, chúng ta nên nghĩ tới phương án ứng dụng khoa học công nghệ để có thể biến nước mặn, nước lợ thành nước ngọt; xả nước vào những cánh đồng trong mùa mưa và mùa nước nổi để trữ nước tự nhiên, hoặc xây dựng hệ thống dẫn nước quy mô lớn để cân bằng lượng nước trên phạm vi toàn miền Tây.
Tôi không nhớ mình đã rong ruổi bao nhiêu bận trên khắp miệt Cửu Long. Sau mỗi chuyến đi, hành trang càng thêm trĩu nặng ưu tư. Nhưng cũng có khi, cái đẹp của dòng sông, cái đẹp của con người thắp lên trong tôi bao niềm kỳ vọng.
Giống hôm đi ngang phà Thuận Giang, đoạn sông Tiền rẽ nhánh vào sông Vàm Nao, tôi gặp ông lão đang chở nào là bắp cải, đu đủ, chuối chín, rồi cốm, bánh ống... Hỏi ông đem mấy thứ này đi đâu, chắc không phải bán vì đa số đã hư héo.
Ông cười hiền khô, nói: "Tui đem về cho đàn cá của tui ăn đó, chú em ơi. Không, tui không có nuôi cá trong hầm, cũng không nuôi trong bè gì hết. Ở bến sông nhà tui mấy năm trước tự nhiên có đàn cá tới 'ở đậu', thấy vậy tui đem cơm nguội rải cho tụi nó ăn.
Rồi tụi cá quyến luyến không chịu đi, tui cũng thương nó nên ngày cho ăn ba cữ. Từ một đàn nhỏ chỉ vài chục con, giờ ước tính mấy chục tấn rồi. Tụi nó nhiều quá nên tui phải chạy xe đi kiếm đồ ăn. Ai bán thì mua, ai cho thì tui nhận, chung tay 'cưu mang' đàn cá. Được, chú cứ tới đó coi, có gì đâu".
Phà cập bến, tôi chạy theo ông lão, rẽ vào chỗ đầu vàm thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới. Căn nhà ông xập xệ, chất đầy mấy bao thức ăn cho cá, mớ đồ ăn mới chở về cũng đem vô chất chung.
Ông không vợ con, không người thân thích, 70 tuổi đời vẫn tự làm lụng nuôi thân và nuôi đàn cá. Cứ tới xóm này hỏi ông Út Vàm Nao thì ai cũng biết. Ông vừa nói vừa cười, lấy dao ra thái bắp cải, dưa leo, đu đủ quăng xuống bến. Lập tức, hàng ngàn con cá, có lớn có nhỏ, có cá trắng có cá đen, tràn lên kín mặt nước.
Tôi cũng hào hứng cùng ông cho cá ăn, để sống với ký ức miền Tây một thời đầy cá tôm. Ông nói xứ này cũng có người làm nghề hạ bạc, nhưng biết ông dưỡng nuôi bầy cá như thế, họ không đánh bắt gần. Cứ thế, chúng sinh sôi nảy nở, ngày một nhiều hơn.
Ông Út không mong gì cả, chỉ cầu nguyện được khỏe mạnh để nuôi đàn cá. "Nhiều đêm nghĩ, nếu chẳng may trái gió trở trời khiến mình theo ông theo bà, không biết đàn cá này rồi sẽ ra sao, tui trằn trọc không ngủ được, bèn xuống bến cho tụi nó ăn. Hình như nhiều con hiểu nỗi lòng tui, nó trườn lên rỉa rỉa bàn tay, cho tui vuốt ve nó mới chịu lội đi".
Ngồi với ông Út cả buổi, tôi thấy lòng mình thật bình yên. Thỉnh thoảng có vài người ở xóm hoặc từ xa tới, ghé xin phép cho đàn cá ăn, rồi gửi lại cho ông một ít tiền, một ít thức ăn cùng nuôi đàn cá. Họ rời đi khi trong mắt ai cũng tràn ngập niềm hạnh phúc.
Tôi lặng ngắm khúc sông đầu vàm, đẹp như tấm lòng ông lão. Chợt nhớ tới mấy “bến cá” tương tự, như ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười hay tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp); rồi trên kinh Thần Nông thuộc xã Phú Thành, huyện Phú Tân (An Giang); hay ở cù lao Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt (Cần Thơ)… Tất cả đều là cá tự nhiên, thấy “bến lành” thì ghé vào, rồi được bà con “cưu mang” năm này qua năm khác.
Những bến cá cho thấy vẻ đẹp từ tâm của người dân miệt này, dù cuộc sống họ vẫn nghèo khó, bấp bênh. Những bến cá cũng làm lóe lên chút tín hiệu khả quan về vùng sông nước Cửu Long.
Sức sống thiên nhiên vẫn luôn căng tràn, khi con người nhân hậu và biết trân trọng nó.
Trương Chí Hùng
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.