Tôi nói, là tôi thì tôi không mua vì nếu ai cũng đổ xô đi mua thì chắc chắn sẽ dẫn tới hỗn loạn, điều từng xảy ra nhiều năm trước khi đồng USD tràn ngập nền kinh tế. Không biết tôi nói thế có được tiếp thu hay không.

Có điều là đồng Việt Nam là một trong các đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, tư lệnh tiền tệ cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa: Vietnam+

Lý do là NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Thử so sánh trên thị trường quốc tế mới thấy, giá trị tiền đồng bị mất như vậy đáng quý như thế nào. Mỹ tăng lãi suất kỷ lục đã hút lượng lớn USD đổ về nền kinh tế này, làm USD tăng giá trên thị trường thế giới. Kết quả là, nhiều đồng tiền mất giá lớn so với USD.

Đến sáng 30/9, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-4,58%); THB (-14,35%); JPY (-25,72%); KRW (-20,34%); PHP (-15,13%); INR (-9,65%); MYR (-11,4%); CNY (-12%); EUR (-13,8%); GBP (-18,03%), trích báo cáo nêu trên.

Lãi suất tiền đồng cũng đã tăng lên để “chia lửa” với áp lực tỷ giá, nhưng có lẽ ít phát huy tác dụng vì các tổ chức thương mại còn đâu “room” để cho vay.

Tình hình tới đây thế nào, có người sẽ đặt câu hỏi. Xin trích dẫn khuyến nghị trong báo cáo tháng 10 của Ngân hàng Thế giới: Vì CPI và CPI cơ bản đang tiến đến mức 4% - bằng mức lãi suất chính sách của cấp có thẩm quyền - cơ quan tiền tệ “cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa” chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát.

Định chế này bổ sung: Khi giai đoạn giãn hoãn thời gian trả nợ đã kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng, đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía NHNN để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ ngành, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.

Tức là tiền tệ sẽ rất khó khăn tới đây trên nhiều mặt trận.

Tôi nghĩ, trong bối cảnh này, chính sách tài khóa phải “chia lửa” với chính sách tiền tệ. Giải ngân đầu tư công ì ạch, gói kích cầu 350.000 tỷ đồng cũng đầy khó khăn để tiêu, và đặc biệt số tiền chi chuyển nguồn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vẫn treo đó. Chi chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là trên 643.406 tỷ đồng, chiếm tới 37,6% tổng chi thật của NSNN. Về tổng thể, chi chuyển nguồn năm sau tăng cao hơn năm trước, với quy mô ngày càng lớn.

Những nguồn trên toàn là từ NSNN, hay tiền thuế của dân. Đó là dư địa để bổ sung cho nền kinh tế đang rất khát tiền.