Việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ kiều bào đã được quan tâm nhiều năm nay, song đó luôn là câu chuyện thời sự với những khó khăn thực tế của từng cộng đồng. Ở mỗi nước, mỗi địa phương, với nhiều phương án tổ chức dạy và học khác nhau đang tồn tại những vấn đề chung, riêng.

Chương trình truyền hình "Chào tiếng Việt" dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

"Chào tiếng Việt" là chương trình do Ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp tác sản xuất, dựa trên cuốn giáo trình Chào tiếng Việt của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh để phục vụ đối tượng khán giả ở độ tuổi tiểu học, sinh ra và lớn lên tại nước ngoài. Chương trình tập trung việc gây cảm hứng ở các em nhỏ với tiếng Việt thông qua trò chơi, bài hát, câu chuyện, bài thơ, đồng dao hay điệu nhảy. 

“Chào tiếng Việt” gồm hai cuốn: “Chào tiếng Việt - Ra khơi” (cấp độ 1) và “Chào tiếng Việt - Khám phá” (cấp độ 2), kết hợp các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ với các phương pháp sư phạm mới.

Trước khi xuất bản sách, TS Nguyễn Thụy Anh đã giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở Liên bang Nga, Ba Lan, Pháp, Đức… đồng thời thiết kế quy trình, nội dung, phương pháp và đồng tổ chức trại hè “Vui cùng tiếng Việt - Warszawa” năm 2012, 2013, 2014, 2015; lớp học “Tiếng Việt đi khắp năm châu” thuộc trại tiếng Việt “Trường học phù thủy Stuttgart” năm 2017, 2018, 2019.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách "Chào Tiếng Việt" với mong muốn củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Tiền đề từ một bộ sách, chương trình “Chào tiếng Việt” phát sóng trên VTV4 có phần giảng dạy do chính TS Nguyễn Thụy Anh đảm nhận cùng các hoạt cảnh, tình huống, tiết mục văn nghệ, trò chơi, bài hát, kể chuyện, đọc thơ, đồng dao hay điệu nhảy… nhằm tăng tính tương tác, hấp dẫn với trẻ em.

Mỗi số phát sóng đều có mục “Đất nước học” với những câu chuyện thú vị, gợi mở, dẫn dắt người học gần hơn với văn hóa dân tộc. Những bối cảnh không giới hạn rõ ràng về không gian, thời gian như các cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu của nhóm bạn ở trong rừng, trên sông, trên biển… hay bối cảnh trong một gia đình gốc Việt ở nơi xa xôi nào đó trên thế giới, không đặc trưng vùng miền nào cụ thể là cách đội ngũ thực hiện lựa chọn để tăng hiệu quả, sự tưởng tượng trong quá trình học tập.

Từ bộ sách đến truyền hình là một câu chuyện dài, kết quả của sự chung tay nỗ lực vì trẻ em, vì ngôn ngữ mà nếu thiếu tâm huyết, nền tảng sẽ không đạt được mục đích. Đó cũng là gợi ý không chỉ cho các tác giả, đơn vị xuất bản, truyền thông mà còn là các tổ chức người Việt ở nước ngoài cùng kết nối, đưa ra những sáng kiến, giải pháp phù hợp đặc thù từng nơi cư trú để ngôn ngữ mẹ đẻ được lan tỏa sâu rộng hơn, sinh động hơn.

Nguyễn Ngọc Tuân, Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Duy Khánh