Việc học sinh chọn cách từ bỏ cuộc sống bằng việc tự tử khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Một trong số đó là việc ứng xử của các bậc phụ huynh đối với con em mình đã đúng mực và hợp lý hay chưa?

Các chuyên gia tâm lý trẻ em cho rằng, nhiều bậc phụ huynh dù rất thương yêu con nhưng việc đặt tình yêu thương và sự kỳ vọng quá lớn, không hợp lý đã gián tiếp khiến con mình gặp vấn đề về tâm lý. 

Thậm chí, một số cha mẹ còn chưa đủ nhạy cảm, sự quan tâm cần thiết để có những ứng xử hợp lý khi các em gặp phải các vấn đề mà bản thân chưa thể một mình vượt qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dreamstime

Chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh, phòng Tư vấn Tâm lý Gia đình và Trẻ em TP.HCM cho biết, tình trạng trẻ em, học sinh tự tử là phản ứng của trẻ với các vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Phản ứng này có nhiều nguyên nhân. 

Một trong những nguyên nhân của việc này là trẻ gặp áp lực quá lớn đến từ chính cha mẹ của mình. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết: “Vấn đề này, xã hội nói, phân tích nhiều rồi. Tuy nhiên, để thay đổi nó là điều rất khó bởi trong thực tế, cha mẹ nào cũng mong muốn con em mình trở thành “ông này, bà kia” trong tương lai”.

Sự kỳ vọng này khiến các phụ huynh cố ý hoặc vô tình đặt ra các áp lực cho con em mình. Phụ huynh càng nhiều kỳ vọng, con em mình càng chịu nhiều áp lực. Khi áp lực đến ngưỡng chịu đựng, các em sẽ rơi vào những vấn đề tâm lý dẫn đến các suy nghĩ, hành xử, phản ứng tiêu cực.

Trong trường hợp này, khi các phụ huynh nhận thấy con em của mình có những biểu hiện, dấu hiệu cảnh báo thì cần phải dừng lại, không tạo thêm áp lực cho con. Bằng cách này, vấn đề của trẻ sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trẻ em nói chung và học sinh nói riêng không chỉ chịu áp lực từ cha mẹ. Đó là khi các em bị bạn bè bắt nạt, đạt thành tích kém ở trường, vô tình giao du với thành phần xấu của xã hội và bị lừa đảo, áp bức nhưng không dám thổ lộ…

Những nguyên nhân này cũng khiến đứa trẻ gặp áp lực trong cuộc sống khiến các em có những phản ứng tiêu cực. Lúc này, cha mẹ phải là "tấm khiên, liều thuốc giải" đầu tiên cho các vấn đề, suy nghĩ tiêu cực của trẻ bằng cách quan tâm, có những hành xử hợp lý, kịp thời.

Chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh. 

Chuyên gia Lê Khanh chia sẻ: “Để trả lời cho câu hỏi như thế nào là một đứa trẻ có dấu hiệu không tốt rất khó. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan tâm con thật sự sẽ phát hiện con mình có những dấu hiệu, hành vi không bình thường”.

Đầu tiên, các em thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày, ăn uống, nghỉ ngơi không đúng giờ, thức khuya, dậy muộn.

Tiếp theo các em sống khép kín hơn, hay đãng trí, hay cáu gắt, phản ứng mạnh với cha mẹ khi được cha mẹ, người thân hỏi thăm một cách bình thường…

“Khi phát hiện các dấu hiệu này, cha mẹ phải gia tăng sự quan tâm, quan sát các em để tìm ra nguyên nhân. Cha mẹ nên trò chuyện, tạo cho các em môi trường thoải mái để các em giải bày các vấn đề của mình”.

“Nếu trong trường hợp đã quá muộn, các em có biểu mắc chứng trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực… phụ huynh cần phải tính việc tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia trị liệu tâm lý”, Lê Khanh nói.

Hà Nguyễn