Thời gian qua, việc đi lại của nhiều người dân xóm 7 (xã Giao Long, huyện Giao Thuỷ, Nam Định) gặp nhiều khó khăn do cây cầu trên tuyến sông Văn Bé 17, nối cửa cống số 9 ra biển thuộc xã Giao Long (thường được người dân gọi là cầu Ông Măng) đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Giao Long Trần Văn Quyết cho biết, cây cầu được xây dựng bằng phương pháp thủ công từ khoảng hơn 30 năm trước, đến nay đã xuống cấp.
Trước đó, địa phương cùng bà con đã tu sửa cầu nhiều lần bằng cách mua lại các tấm gỗ ván quan đã cải táng, đốt lửa, phơi khô, sau đó tận dụng làm mặt cầu để bà con dễ dàng qua lại. Tuy nhiên, do cầu quá cũ, lại thêm ảnh hưởng của mưa lớn, 1 mố cầu phía Đông đã bị sạt lở.
Cây cầu này nhiều năm nay phục vụ nhu cầu đi lại, canh tác cho khoảng hơn 20 hộ dân sinh sống, làm đầm tại xóm 7 và nhiều hộ dân nơi khác đi qua để sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là đường đến trường của nhiều học sinh trong xóm.
Anh Phạm Quốc Toản (33 tuổi, người dân xóm 7 mới) chia sẻ: “Gia đình tôi làm đầm nên sinh sống luôn tại đây. Tôi thường xuyên đi qua cây cầu này, mỗi lần thấy ai tay lái yếu là phải qua giúp ngay vì người ta đi qua cầu mà run tay có thể sẽ bị rơi xuống sông.
Mặt cầu được sửa chữa tạm thời bằng cách lót các tấm ván quan tài bằng gỗ từ mấy năm nay. Hiện tại, do cầu quá xuống cấp, gia đình tôi có cháu nhỏ cũng không dám cho các con tự đi lại qua cầu mà luôn phải có người lớn đi kèm”.
Không chỉ riêng anh Toản, nhiều người dân đi qua cây cầu này đều nơm nớp lo sợ vì cầu quá cũ, có thể ngã xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo anh Nguyễn Văn Đức (35 tuổi, người dân xóm 7 mới), tại cây cầu Ông Măng này, rất hay xảy ra tai nạn, cả người cả xe rơi xuống sông. Anh là người trực tiếp tham gia cứu vớt nhiều người và phương tiện lên bờ.
Một vị lãnh đạo UBND xã cho biết: “Tiếp nhận ý kiến phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn xuống khảo sát, tham mưu về tỉnh. Trước mắt, khắc phục cái tối thiểu để nhân dân có thể đi lại.
Nhu cầu sử dụng cây cầu này là có, nhưng nếu để đầu tư nâng cấp, có thể sẽ cần khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Hiện, nguồn lực địa phương có hạn, dù chúng tôi muốn làm nhưng “lực bất tòng tâm” nên tạm thời sẽ kêu gọi xã hội hoá thêm để sửa chữa. Cuối năm nay sẽ tính toán, cân đối lại nguồn vốn để đưa cầu vào kế hoạch tu sửa”.