Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết, nữ bệnh nhân 58 tuổi, làm nghề bán rau và là trụ cột kinh tế của gia đình.

Trước nhập viện khoảng 1 tháng, bà sơ ý đạp trúng đinh ở một ngón chân bên trái. Do hoàn cảnh, bệnh nhân không đến viện mà tự mua thuốc uống nhưng không khỏi.

Khi đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương, bệnh nhân sốt nhẹ, ngón chân hoại tử đen, tiết dịch hôi, có nhiều ấu trùng ruồi xung quanh vết thương. Bác sĩ xác định bà có tiền căn đái tháo đường type 2 không điều trị. Tình trạng hoại tử khá nặng, nguy cơ cao phải cắt 1/2 bàn chân trái.

Người phụ nữ cho biết, bà không béo phì, không thèm ngọt, ăn ít cơm, chỉ hay mệt khi làm việc nên không biết mình bị đái tháo đường từ bao giờ.  

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Ngô Phạm Gia Huy, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, tình trạng hoại tử nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn tiếp diễn khó kiểm soát mặc dù đã được điều trị nội khoa, cắt lọc triệt để mô hoại tử sau mỗi lần phẫu thuật. Các bác sĩ phải mất hơn 3 tháng điều trị để nỗ lực bảo tồn tối đa bàn chân, giúp người bệnh có thể tự đi lại được.

Khác với người bình thường, vết thương bàn chân ở người đái tháo đường rất lâu lành, có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Hậu quả là tình trạng nhiễm trùng, lan rộng khiến người bệnh phải cắt cụt chân, nghiêm trọng hơn là gây nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến tính mạng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người đái tháo đường bị hoại tử bàn chân, trong đó, yếu tố nguy cơ là tổn thương thần kinh ngoại biên và bệnh mạch máu ngoại vi.

Biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên thường gặp ở 50-75% bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh mất cảm giác với nhiệt độ, không cảm thấy đau khi bị đâm bởi những vật sắc nhọn hay vật nặng đè nén, dễ gây nên những vết thương, trầy xước, bỏng rộp, loét. 

Tổn thương này cũng khiến người bệnh giảm tiết mồ hôi và gây thay đổi ở da, làm giảm tính chất tự vệ của da, khiến vết thương bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Biến chứng bệnh mạch máu ngoại vi có thể gặp ở 30% bệnh nhân loét bàn chân. Ở người đái tháo đường, sự thay đổi mạch máu vi tuần hoàn gây nên tình trạng xơ vữa động mạch. Sự hình thành các mảng xơ vữa và huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, làm tổn thương các động mạch cung cấp máu cho các chi. 

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường, người bệnh cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết và mỡ máu, khám sức khỏe định kì. Người bệnh phải đến gặp bác sĩ ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

Vùng da ở bàn chân thay đổi màu sắc.

Sưng nề vùng bàn chân.

Thay đổi nhiệt độ vùng bàn chân.

Nốt sần/ chai vùng bàn chân. 

Cảm giác đau hoặc châm chích ở bàn chân / mắt cá chân.

Móng quặp.

Nhiễm nấm vùng bàn chân.

Khô, nứt nẻ da bàn chân.

Có các dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, vết thương chảy dịch).

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?

Nhiều bệnh nhân Whitmore được điều trị theo các chẩn đoán khác nhau trước khi phát hiện mắc loại vi khuẩn "ăn thịt người". Ngay cả khi chẩn đoán đúng, nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì điều trị rất lâu, tốn kém.