Cao tốc Mai Sơn - QL45 cho phép vận tốc tối đa 80km/h

Theo kế hoạch, cùng với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sáng 29/4, Bộ GTVT sẽ khánh thành tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 và đưa vào khai thác ngay trong chiều cùng ngày.

Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hoá) là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Cao tốc 4 làn xe qua Ninh Bình - Thanh Hóa (Ảnh: Hoàng Hà) 

Dự án có 5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài hơn 63km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Dự án đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, TP Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình; các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, TP Thanh Hóa của tỉnh Thanh Hóa.

Tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 cho phép đi với vận tốc tối đa 80km/h.

Điểm đầu dự án tại Km274+111,86 tại nút giao Mai Sơn (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Điểm cuối dự án tại Km337+478,11 (trùng với điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện tại toàn tuyến chưa có điểm dừng nghỉ.

Theo thiết kế, giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Như vậy kể từ ngày 29/4, tuyến cao tốc qua Ninh Bình - Thanh Hóa sẽ có 4 làn xe, vận tốc tối đa được phép đi 80km/h. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án, tuyến cao tốc chưa thu phí.

Vận tốc tối đa 120km/h trên Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Dự án gồm 4 gói thầu đi qua nhiều địa phương 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Hiện tại, khu vực nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn chờ kẻ vạch sơn.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Ảnh: Nguyễn Huế) 

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, vận tốc cho phép tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h. 

Dọc tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có nhiều nút giao với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đầu tiên là nút giao với QL56 sau khi vào cao tốc khoảng 10km. Nếu rẽ phải theo QL56 sẽ đi về hướng huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), còn rẽ trái theo hướng QL56 sẽ về TP Long Khánh (Đồng Nai).

Tiếp tục chạy trên cao tốc sẽ gặp nút giao với tỉnh lộ 765 đi qua xã Suối Cát ra QL1, chạy khoảng 5km sẽ đến Khu du lịch nổi tiếng núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc), hoặc theo tỉnh lộ 766 đi các huyện Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận).

Tuyến đường cho phép phương tiện đi với vận tốc tối đa 120km/h.

Tài xế chạy tiếp một đoạn sẽ gặp nút giao rất lớn với QL1 qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nếu người dân muốn đi La Gi (Bình Thuận), tiếp tục chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để đi đến điểm giao với QL55B. Đến đây, tài xế chỉ cần giảm tốc độ, chú ý quan sát để rẽ phải là ra QL55B, về đến biển La Gi.

Theo Bộ GTVT, hiện nay cả 2 tuyến cao tốc trên đều chưa có trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác tuyến Mai Sơn - QL45, từ Hà Nội đi Thanh Hóa sẽ rút ngắn xuống 2 giờ. Tương tự, tuyến Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào khai thác, thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ.