Sở Giáo dục độc lập với chính quyền sở tại

Từ thời lập quốc năm 1867, Hiến pháp Canada đã quy định chính quyền cấp tiểu bang có trách nhiệm toàn quyền đối với giáo dục cho tất cả cấp học trong phạm vi quản lý hành chính của họ.

Thầy cô giáo có nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy những nội dung cơ bản và tạo môi trường học tập tự do cho học sinh

“Giáo dục cần thiết như ánh sáng, phải phổ biến như nước và miễn phí như không khí”. Đó là tầm nhìn được vạch ra từ năm 1831 và được hiện thực hóa năm 1846 bởi ông Adolphus Egerton Ryerson (1803-1882), nhà giáo dục và chính trị gia nổi tiếng, cha đẻ của hệ thống giáo dục phổ thông công lập ở Canada.

Ông Ryerson đã thiết kế cách thức tổ chức, vận hành hệ thống trường học, trong đó Sở Giáo dục địa phương hoàn toàn độc lập với chính quyền sở tại và chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục tiểu bang.

Giáo dục Nhật Bản: Trẻ mẫu giáo chia cơm, lớp 1 dọn sân bóng rổGiáo dục Nhật Bản: Trẻ mẫu giáo chia cơm, lớp 1 dọn sân bóng rổXem ngay

Giáo dục không là đặc quyền của một nhóm nhỏ, mà là quyền cơ bản cho tất cả dân chúng. Hệ thống giáo dục được thiết kế dựa trên sự công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của người dân nên hệ thống giáo dục của Canada luôn được xếp vào nhóm hàng đầu thế giới.

Hệ thống giáo dục Canada chịu giám sát bởi chính quyền liên bang nhưng việc quản lý và vận hành thuộc về trách nhiệm cấp tỉnh/vùng, có nghĩa là hệ thống ở tỉnh Ontario sẽ khác với hệ thống ở tỉnh Québec.

Ngay cả trong một tỉnh, giáo dục có thể khác nhau đáng kể giữa các trường học và không có hệ thống đồng nhất các quy định về giáo dục. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục tại các bang tương đối đồng đều.

Không phụ thuộc sách giáo khoa mẫu

Theo tôn chỉ của Ryerson, Canada không dựa vào một bộ sách giáo khoa chuẩn áp dụng đại trà hay chương trình học cụ thể. Giáo án mà giáo viên soạn thảo vẫn bám sát nội dung cần giảng dạy do chính quyền tiểu bang đề ra. Mỗi trường có hướng dẫn chung cho nội dung được dạy. Việc không phụ thuộc vào sách giáo khoa mẫu cho phép sự linh hoạt trong giáo dục và học tập.

Vì không phụ thuộc một bộ sách giáo khoa chuẩn nào, các nhà quản lý giáo dục không phải bận tâm về việc biên soạn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục khung

Giáo viên trực tiếp giảng dạy và tự chuẩn bị kế hoạch giáo án, chọn sách phù hợp để dạy học sinh. Giáo viên được khuyến khích sáng tạo để đáp ứng nhu cầu và sở thích của học sinh. Từ đó, giáo viên có được niềm đam mê giảng dạy và học sinh sẽ có được những trải nghiệm học tập phong phú.

Ở lớp, thầy cô giáo có nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy những nội dung cơ bản và tạo môi trường học tập tự do cho học sinh, sinh viên thoải mái trao đổi, nghiên cứu. Khi lên lớp, học sinh, sinh viên sẽ được nghe giáo viên phân tích cách áp dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống trong cuộc sống, cập nhật những nghiên cứu gần nhất. 

Các bài giảng được trình chiếu lên bảng kèm theo hình ảnh, video minh họa nhằm giúp các em có cái nhìn chuẩn xác hơn và tạo không khí sôi nổi cho lớp học. Ngoài ra, giáo viên còn sử dụng các ứng dụng hỗ trợ dạy học trên máy tính bảng, laptop, điện thoại để các em có thể hệ thống hóa kiến thức và thuận tiện hơn trong quá trình học tập.

Con tôi đi học ở Canada: Cải thiện bản thân chứ không cố hơn bạn bèCon tôi đi học ở Canada: Cải thiện bản thân chứ không cố hơn bạn bèXem ngay

Thay vì chỉ bám vào sách giáo khoa, học sinh tiếp thu kiến thức thông qua thực hành, trải nghiệm và phát triển tư duy. Ý tưởng của một cá nhân rất quan trọng, các bài luận đều cho học sinh không gian riêng, giáo viên ít quan tâm tới đúng hay sai, chỉ quan trọng học sinh trình bày ý tưởng của mình như thế nào, khác rất nhiều so với việc giáo dục mang sự rập khuôn, nặng về điểm số như một số quốc gia châu Á.

Thư viện trường là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục. Đây là không gian học hành, nghiên cứu thêm của học sinh và còn là đầu mối cung cấp thông tin, bổ trợ kiến thức, hỗ trợ việc giảng dạy của giáo viên. Học sinh có thể mượn đủ loại sách miễn phí ở thư viện, từ sách toán, vật lý, lịch sử, văn học... Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc sách, ghi chép, tóm tắt, thuyết trình thông qua câu lạc bộ đọc sách.

Vì không phụ thuộc một bộ sách giáo khoa chuẩn nào, các nhà quản lý giáo dục không phải bận tâm về việc biên soạn sách giáo khoa đáp ứng chương trình giáo dục khung, ngay cả khi chương trình ấy thay đổi.

Việc biên soạn và phát hành sách đã được xã hội hóa nên những người viết sách, nhà xuất bản luôn tổ chức biên soạn thật tốt mới mong sách mình có người sử dụng, được đưa vào danh mục được phê duyệt. Sự cạnh tranh luôn khiến người ta vươn lên để mang đến những cuốn sách tốt hơn.

Nguyên Bách (từ Ottawa)