Cùng với hoạt động xã hội hóa giáo dục được lan rộng, chế độ, chính sách và cơ sở hạ tầng cho người dân nơi đây cũng được chú trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nên hoạt động phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định về sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em giữa các vùng, đặc biệt là với trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Chính vì vậy, cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực, phù hợp, để từng bước xóa bỏ nạn mù chữ trong trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thanh toán nạn mù chữ trong trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, có thể tham khảo một số giải pháp cụ thể:

Huy động và có cơ chế hiệu quả hỗ trợ người dân đưa con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng và tăng cường công tác quản lý chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; Đảm bảo ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục được tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội.

Đối với trẻ trong giai đoạn trẻ thơ và mầm non chuẩn bị vào cấp tiểu học, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo về sự cần thiết của phát triển toàn diện sức khỏe và trí tuệ của trẻ từ giai đoạn trẻ thơ. Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để đảm bảo các trẻ em nghèo, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non, chuẩn bị bước vào cấp tiểu học.

Song song với đó, cần rà soát, hoàn thiện và xây dựng hệ thống tiêu chí về cơ sở hạ tầng giáo dục; tăng cường nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, điểm trường, trường nội trú nhất là cấp mầm non và tiểu học theo chuẩn hóa, thân thiện với trẻ, cung cấp môi trường học tập an toàn và hiệu quả cho trẻ. Tăng cường xã hội hóa, kêu gọi trách nhiệm cộng đồng trong công tác xóa mù chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân tộc thiểu số và miền núi về công tác phòng chống mù chữ, chống tái mù chữ bằng các hình thức: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền về công tác xóa mù chữ gắn kết với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường ưu tiên đào tạo nhân lực cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức phù hợp; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số.

Đông thời, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đội ngũ giáo viên bám thôn, bản tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn; có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Duy Linh, Lê Na, Hà Sơn, Thanh Hùng, Phùng Thuỷ