Báo Guardian trích dẫn một tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng hôm 23/2 cho biết, một bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng, phía đông thủ đô Phnom Penh được chẩn đoán mắc cúm H5N1 sau khi bị sốt cao và ho vào ngày 16/2. Khi bệnh tình xấu đi, cô bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi quốc gia ở Phnom Penh để điều trị, nhưng qua đời hôm 22/2.

Một trang trại nuôi gà ở Campuchia. Ảnh: Phnompenh Post

Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ đầu năm ngoái, dịch cúm H5N1 đã tàn phá các trang trại trên khắp toàn cầu, dẫn đến cái chết của hơn 200 triệu con gia cầm vì nhiễm bệnh hoặc bị tiêu hủy hàng loạt để phòng dịch lây lan.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi đầu tháng này ghi nhận sự lây truyền của virus cúm H5N1 sang động vật có vú như chồn, rái cá hay hải cẩu. Song, WHO đánh giá nguy cơ đối với con người vẫn ở mức thấp, dù “vẫn cần giám sát chặt chẽ”.

Kể từ khi virus H5N1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996, thế giới mới chỉ ghi nhận rất ít trường hợp lây truyền chủng cúm này từ động vật sang người hoặc giữa người với người. Những người từng mắc H5N1 cũng thường làm việc ở các trang trại nuôi gia cầm hoặc có tiếp xúc gần với các loài chim mang bệnh.

Trong trường hợp bé gái tử vong ở Campuchia, nạn nhân sống gần một khu bảo tồn. Các nhân viên y tế địa phương đã tiến hành lấy mẫu một con chim chết ở đó để nghiên cứu.

Nhà chức trách y tế Campuchia khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc gia cầm chết hoặc bị bệnh, và nên liên hệ với đường dây nóng nếu có nghi ngờ mắc bệnh.