Phát biểu này được đưa ra tại thời điểm Washington đang phát triển chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương do có những lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng bao trùm tới tận các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.

Mở rộng ảnh hưởng

Ngoài Australia và New Zealand, Thái Bình Dương tổng cộng có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo các thông tin công khai trên Internet, trong số các đảo quốc Thái Bình Dương, có 3 nước vốn thuộc sự quản lý của Mỹ, 10 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một số nước thuộc Khối thịnh vượng chung Anh, một số nước là lãnh thổ của Anh, Pháp, Mỹ và New Zealand.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự một buổi ký kết tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: Reuters

10 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, quần đảo Cook, Niue và Micronesia.

Từ ngày 20-24/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần lượt đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tuyên bố khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ.

Ngay sau đó, ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Bộ trưởng Vương Nghị sẽ đến thăm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương trong 10 ngày.

Trước khi ông Vương Nghị đặt chân đến Nam Thái Bình Dương, tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã đến thăm Fiji và tuyên bố Australia sẽ triển khai hợp tác chặt chẽ với các đảo quốc Thái Bình Dương mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. 

Một số đảo quốc Thái Bình Dương từng kề vai sát cánh với Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, có mối quan hệ lâu dài với Washington. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương này, nơi có các tuyến giao thông biển và ngư trường quan trọng, thông qua việc ký kết các thỏa thuận an ninh, cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Các quốc đảo Thái Bình Dương trong ‘vòng ngắm’ của Trung QuốcCác quốc đảo Thái Bình Dương trong ‘vòng ngắm’ của Trung QuốcXem ngay

Ngày 30/5, mặc dù ông Vương Nghị tham dự và đồng chủ trì hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương lần thứ 2 ở thủ đô Suva của Fiji, nhưng Trung Quốc không thể cùng 10 nước tham dự hội nghị ký thỏa thuận khu vực bao gồm sự hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát, an ninh, thương mại, hàng hải và truyền thông kỹ thuật số như mong muốn.

Một số hãng truyền thông phương Tây miêu tả đây là thất bại của Trung Quốc, trong khi một số tờ báo lại cho rằng kế hoạch thắt chặt quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương chỉ bị ngưng trệ.

Những toan tính địa chính trị

Việc Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký thỏa thuận khung hợp tác an ninh vào tháng 4 không những được coi là một thắng lợi ngoại giao quan trọng, mà còn làm dấy lên sự cảnh giác cao độ của Mỹ và Australia. Washington và Canberra lo ngại Trung Quốc có thể triển khai lực lượng quân sự và xây dựng căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, thậm chí thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon còn có thể thúc đẩy thêm nhiều đảo quốc Nam Thái Bình Dương hướng về đại lục.

Mỹ và đồng minh đều đặt căn cứ quân sự ở hai bờ Thái Bình Dương, một khi khu vực xảy ra xung đột thì những căn cứ này có thể phát huy tác dụng. Có phân tích cho rằng nếu Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ quân sự ở các đảo quốc Thái Bình Dương thì sẽ giúp nước này nâng cao năng lực đối đầu với Mỹ, đồng thời làm giải vai trò là vị trí chiến lược hội tụ 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Nam Đại Dương) của Australia.

Bên cạnh đó, cũng có nhà phân tích cho rằng do một số đảo quốc Thái Bình Dương kết nối với “chuỗi đảo thứ hai”, nên Trung Quốc tìm cách hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương để phá vỡ sự phong tỏa của Mỹ ở chuỗi đảo thứ nhất, từ đó chiếm được ưu thế chiến lược tốt hơn ở khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương cũng có những cân nhắc lợi ích của riêng mình. Tất cả đều muốn giành được nhiều lợi ích nhất trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung. Lấy việc Liên bang Micronesia phản đối ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Trung Quốc lần này làm ví dụ, nước này không những có thỏa thuận hợp tác kinh tế với Trung Quốc, mà còn có thỏa thuận quốc phòng với Mỹ.

Ai chiếm ưu thế?

Trong một lá thư gửi 21 nhà lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo cho biết không tán thành thỏa thuận do Trung Quốc đề xuất, đồng thời cho rằng Bắc Kinh có ý đồ kiểm soát Nam Thái Bình Dương, đe dọa sự ổn định của khu vực, có thể dẫn đến chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và phương Tây.

Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo. Ảnh: Reuters

Trong thư, ông cũng nói rằng nếu để Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin, lãnh thổ biển và an ninh biển của các quốc gia Thái Bình Dương thì sẽ làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh. Và các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ bị vạ lây.

Ông còn quan ngại thỏa thuận thương mại tự do sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát nghề cá và tài nguyên của khu vực, đồng thời cho rằng một khi thỏa thuận được ký kết, thì kịch bản tốt nhất đối với Thái Bình Dương là dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong khi kịch bản tệ nhất có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.

Tương tự, Fiji - nước có quan hệ tốt với Trung Quốc - cũng tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 26/5, Fiji tuyên bố tham gia IPEF do Mỹ khởi xướng, trở thành một trong 14 thành viên sáng lập và là đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên tham gia. Trong thời gian Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Fiji, hai nước đã ký 3 thỏa thuận kinh tế.

Fiji ký riêng 3 thỏa thuận với Trung Quốc. Ảnh: Văn phòng Chính phủ Fiji

Nhiều nhà quan sát cho rằng tình hình ở Nam Thái Bình Dương đang cho thấy sự suy yếu của Mỹ. Mặc dù Washington tìm cách tăng cường đầu tư, nhưng vẫn thụt lùi khá xa. Sandra Talter, Chủ nhiệm khoa chính quyền và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nam Thái Bình Dương ở thủ đô Suva, Fiji, cho rằng có rất nhiều cuộc thảo luận, nhưng lại rất ít nội dung mang tính thực chất. Toàn bộ khu vực Thái Bình Dương vẫn đang sử dụng nhiều sân bay, bệnh viện do Mỹ và đồng minh xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.  

Mặc dù nhiều đảo quốc Thái Bình Dương không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn, nhưng điều họ thực sự cần, cũng là điều mà Trung Quốc dường như có thể cung cấp hiện nay, chính là tiếp tục tham gia và xây dựng.

Lần này, mặc dù Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận mới với các nước có quan hệ ngoại giao, nhưng không loại trừ khả năng Bắc Kinh vẫn sẽ thúc đẩy nhiều thỏa thuận song phương mang tính đột phá, trên cơ sở lĩnh vực kinh tế từng bước tìm kiếm bước đột phá trên lĩnh vực an ninh.

Mặt khác, các động thái gần đây của Trung Quốc đã hối thúc Mỹ quay trở lại các đảo quốc Thái Bình Dương, do đó cuộc tranh giành ảnh hưởng không khói súng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt.

* Kỳ tới: Giải pháp tái thiết quan hệ Australia - Trung Quốc

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vựcIPEF là sự khởi đầu để bảo đảm gắn kết của Mỹ ở tư cách nền kinh tế số 1 với khu vực  phát triển rất năng động của thế giới.