Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) các cam kết về lao động, công đoàn là nội dung quan trọng. Hiện Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực thi cam kết của hiệp định

Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đàm phán và gia nhập nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)… Trong những thỏa thuận thương mại thế hệ mới này đã quy định các nước thành viên có trách nhiệm thành lập các tổ chức đại diện người lao động và đề ra lộ trình thực hiện đối với một số quốc gia.

W-nguoilaodong-1.png
Đến nay, các cam kết về lao động, công đoàn trong EVFTA về cơ bản đã được nội luật hóa vào Hệ thống pháp luật về lao động của Việt Nam.

Theo lộ trình đã cam kết, Việt Nam có thời gian chuẩn bị 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực (2018-2023) sẽ phải cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và 7 năm (2018-2025) để cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Đây rõ ràng là một thách thức rất lớn đặt ra đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn ở Việt Nam.

Ở nước ta chưa có tiền lệ về hệ thống tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tồn tại song song với Công đoàn Việt Nam, điều đó đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Nếu coi các tổ chức này thuộc “loại hình tổ chức công đoàn khác” thì cần phải xem xét lại một số quy định của pháp luật hiện tại nhằm bảo đảm bình đẳng, không phân biệt, đối xử giữa các loại tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành các quy định của pháp luật về tổ chức đại diện người lao động ở nước ta là một xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vừa phát huy thuận lợi từ việc gia nhập các FTA, vừa bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Đồng thời, thể chế hóa tổ chức đại diện người lao động góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục mâu thuẫn giữa luật pháp nước ta với “luật chơi” quốc tế. Trên thực tế, để hiện thực hóa các cam kết, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA.

Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Trong đó, các quy định cụ thể về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được nêu tại chương XIII, với 9 điều (từ Điều 170 đến Điều 178).

Những quy định trong Bộ luật Lao động 2019 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thực hiện cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Quy định này thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đồng thời giúp người lao động có thêm cơ hội được lựa chọn thành lập, gia nhập hoặc tham gia các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nhận thức được tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngay từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã xác định “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động  tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức Lao động quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”.

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nêu rõ: “Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”.

Mới đây, công đoàn cũng đã tham gia vào cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Công đoàn đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để tăng lương tối thiểu cho khu vực tư nhân và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt thông qua mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6%. Kết quả này rất đáng mừng cho thấy người sử dụng lao động chia sẻ khó khăn với người lao động, cũng như thể hiện tiếng nói từ công đoàn.

Trên cơ sở thực hiện tốt các quy định của pháp luật Việt Nam, triển khai các nội dung cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA phù hợp với tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp và người lao động, thời gian tới, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ càng được củng cố, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định chính trị - xã hội, mang lại lợi ích thực sự cho người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội.

Hải Vân