Tác phẩm tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen khô bắt nguồn từ tâm nguyện mong muốn tri ân và lưu giữ những hình ảnh cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam của các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa và Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam.

Tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định làm từ lá sen.

Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập Sen trong đời sống văn hóa Việt của kỷ lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, được thực hiện bởi nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trong thời gian 3 tháng.

Bức tranh được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam góp phần làm đa dạng hơn các loại hình hiện vật trong bộ sưu tập về bà Nguyễn Thị Định. Từ đó, tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận tranh chân dung bà Nguyễn Thị Định bằng lá sen khô.

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ có cơ duyên được gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định năm 1984, khi em bà làm lái xe cho cô Ba Định. Người phụ nữ ấy đã để lại rất nhiều ấn tượng và thiện cảm với họa sĩ. Bà đã chọn bức chân dung tâm đắc nhất về cô Ba Định cho nghệ nhân thực hiện theo ý tưởng.

“Khi nhận về bức tranh làm từ lá sen, tôi vô cùng xúc động, đặc biệt khi tác phẩm đã lột tả được thần thái của một nữ tướng, mạnh mẽ mà vô cùng nhân hậu”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm nhấn mạnh. 

Họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm.

Bà Nguyễn Thị Định (1920-1992) là người con ưu tú của quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Bà thường được gọi với tên thân thương là cô Ba Định. Cô Ba Định tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 18 tuổi.

Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, bà đã đối mặt và vượt qua rất nhiều mất mát khi gia đình bị chia cắt, phải xa con khi con còn quá nhỏ; chồng bị bắt và hy sinh. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, bà đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn, làm nên những chiến công khiến quân thù khiếp sợ.

Bà tham gia hoạt động Mặt trận Việt Minh, Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre và phong trào Đồng Khởi.

Tên tuổi bà không chỉ gắn liền với Đồng Khởi, Đội quân tóc dài, những danh hiệu cao quý, trọng trách quan trọng như Thiếu tướng, Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền nam Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... mà còn với phong trào phụ nữ và công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội.