Bệnh nhân là bà H.T.L (52 tuổi) đến Bệnh viện bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) khám trong tình trạng đau nhiều, nhức nhiều khớp vai phải, hạn chế vận động, có nhiều vết bỏng kích thước 1x1,5cm.

Theo lời kể của bệnh nhân, do bị đau cổ vai gáy nên bà đã đến thầy lang gần nhà đốt ngải, đốt hương. Sau khi đốt vài ngày, tình trạng đau cổ vai gáy không giảm, thậm chí những nốt đốt xuất hiện tình trạng đau rát, mưng mủ.

Vai bà L. chi chít vết bỏng tấy đỏ, mưng mủ, đau rát sau khi đốt ngải, đốt hương chữa đau vai gáy. Ảnh: Hồng Đặng

Bác sĩ khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang thăm khám và điều trị. Theo các bác sĩ, đây không phải lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp bị bỏng da, hoại tử sau đốt ngải, đốt hương.

Các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có vấn đề về xương khớp nên đi khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp. Phương pháp điều trị dân gian như đốt ngải, đốt hương... dù khi thực hiện người bệnh có thể cảm thấy dễ chịu hơn nhưng thực tế không mang lại hiệu quả trong việc điều trị đau mỏi vai gáy hay đau của thoái hóa khớp.

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

Bệnh đau cổ vai gáy khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thiểu năng vành, u đỉnh phổi... Bệnh thường xuất hiện sáng sớm lúc ngủ dậy hoặc sau khi lao động nặng hoặc bị nhiễm lạnh. Bệnh sẽ tăng khi đứng, đi, ngồi lâu hoặc ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ, khi thời tiết thay đổi, thuyên giảm khi nghỉ ngơi.