Sáng 4/8, tại phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Nên dùng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho rằng đây là vấn đề cực kỳ phức tạp.
Ông bày tỏ ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách để tạo quỹ đất sạch. Tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thực hiện đấu thầu, đấu giá.
"Tôi không phải chuyên gia kinh tế nhưng nhìn thấy đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch, xử lý hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất - nhà nước và nhà đầu tư. Nếu làm được càng nhiều đấu thầu, đấu giá sẽ càng quý", ông Sỹ nhấn mạnh.
Vì vậy ông đề nghị cơ quan soạn thảo luật rà soát lại dự thảo luật để quy định theo hướng dùng vốn ngân sách giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, tạo quỹ đất sạch, đấu thầu, đấu giá sẽ tốt nhất.
Còn việc tìm vốn ở đâu, theo ông Sỹ cần có thể có cơ chế để mời các ngân hàng thương mại vào cho vay.
"Nếu như có cơ chế, giao quyền cho các tổ chức phát triển quỹ đất, cho phép các ngân hàng thương mại vào cho vay để đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau đó đấu thầu, đấu giá, rồi hoàn trả lại cho ngân hàng”, ông Sỹ gợi mở.
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng nên quy định rõ với dự án nhà ở thương mại sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa thì chỉ thực hiện thông qua hình thức duy nhất như phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Bởi thực tế, các dự án này thường lấy đất nông nghiệp trong khi phương án 2 dự thảo quy định dưới 10 ha có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất.
Khi đó dẫn đến các trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận chuyển nhượng đất nông nghiệp dưới 10ha, trong đó có một phần diện tích nhỏ là đất ở, còn lại đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.
Trong khi giá đất nông nghiệp trả cho người dân thường thấp hơn nhiều lần so với giá nhà ở thương mại dẫn đến thiệt thòi cho người dân, gây nhiều hệ lụy cho xã hội do dân mất sinh kế sau bán đất.
Quy định này còn dẫn đến trường hợp lợi dụng mua đất nông nghiệp dưới 10ha để làm đất sản xuất, sau đó thay đổi quy hoạch. Nếu không sẽ có sự tác động tiêu cực để chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở thương mại, dẫn đến thất thu cho ngân sách.
Do đó, bà Vân đề nghị nên giữ phương án Nhà nước thu hồi đất. Còn tiền ở đâu để làm thì theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, các địa phương phải dành nguồn để làm việc này.
“Đừng nói tỉnh nghèo không có tiền mà phải dành nguồn đầu tư khai thác ở chỗ này”, bà Vân nhấn mạnh.
Hài hòa với tổng thể đất nước
Giải trình làm rõ thêm nội dung này, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì đảm bảo cả 3 phương thức đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thỏa thuận) để giải quyết thực tiễn.
Còn câu chuyện hài hòa ở đây theo ông Ngân không phải là hài hòa giữa chủ doanh nghiệp, chủ dự án với người sử dụng đất trực tiếp mà hài hòa với tổng thể đất nước.
“Dự án nhà ở thương mại cân đối đấu giá để người sử dụng đất trực tiếp đã có chính sách bồi thường đầy đủ. Còn dự án xây dựng quốc lộ 1A hàng ngàn ha thì lấy tiền đâu đấu giá, chia lại cho người sử dụng đất. Cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc việc này”, Thứ trưởng TN-MT phân tích.
Ông cũng nói rõ thêm, hài hòa ở đây là đấu giá thu vào ngân sách, sau đó Luật Đất đai không điều chỉnh mà thông qua Luật Ngân sách để đầu tư phát triển, an sinh xã hội, lo cho đời sống cho nhân dân lúc dịch bệnh, lúc này lúc kia…
Chốt lại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần quy định rõ, trong trường hợp nào thì áp dụng phương án thỏa thuận, trường hợp nào Nhà nước thu hồi, trường hợp nào giao đất thuê đất không qua đấu giá đấu thầu, trường hợp nào đấu thầu, đấu giá.
“Cá nhân tôi theo phương án 1 nhưng nguyên tắc phải có tiêu chí về diện tích đất. Ví dụ ở Hà Nội thì 1-2 ha thôi, còn ở Sơn La thì 20 ha.
Theo đó, HĐND quyết định dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương; nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện.
Ngoài các trường hợp này mà Nhà nước thu hồi thì giao tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.