NSNA Trần Phong vừa cho ra mắt sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” nhằm ghi giữ những vẻ đẹp sâu thẳm, rực rỡ trong dòng chảy văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Omega+ vừa ra mắt tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX (tác giả Trần Minh Nhựt). Tác phẩm là những nghiên cứu về bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế Grande tenue de la Cour d’Annam.
Bộ tranh có tuổi đời 120 năm và lưu lạc xứ người, nay được in chính thức tại Việt Nam từ ảnh chụp bản gốc sắc nét của National Gallery Singapore (Phòng trưng bày quốc gia Singapore).
Thông qua tác phẩm, tác giả Nguyễn Minh Nhật mong muốn tôn vinh tài năng vẽ tranh điêu luyện, những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân cho nền mỹ thuật Việt Nam cũng như củng cố, đánh giá những giá trị nghệ thuật của bộ tranh khi soi chiếu đến trang phục triều Nguyễn.
Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân nhằm giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật đặc trưng, hay sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX.
Bộ tranh gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước, đóng thành một album, hiện thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore.
Bằng kinh nghiệm và chuyên môn của mình, tác giả Trần Minh Nhựt đã dành một dung lượng tương đối để tập trung phân tích mỹ thuật học (đường nét, mảng, hình, màu sắc, nhịp điệu) của ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ.
Tác giả cũng diễn giải kỹ càng về nghệ thuật minh họa và cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây ở khía cạnh khoa học màu sắc, ánh sáng, tỷ lệ nhân thể, giúp độc giả hiểu rõ hơn các giá trị (mỹ thuật, lịch sử, văn hóa - xã hội) của bộ tranh.
Tác giả cũng dành một phần chia sẻ hành trình đi tìm lời giải về thân thế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, đồng thời tái hiện thành công hoàn cảnh ra đời bộ tranh, hành trình lưu lạc, quá trình tiếp cận bộ tranh quý giá này để độc giả hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp và vị thế của họa sĩ.
Tháng 4/2011, bộ tranh từng được rao bán trên website của nhà sách Eric Chaim Kline với mức giá 35.000USD (hơn 722 triệu đồng theo tỷ giá lúc đó).
Ngày 3/10/2011, bộ tranh trên được lên sàn đấu giá tại Sotheby’s, giá gõ búa thời điểm đó gần 2 tỷ đồng, danh tính người sở hữu không được tiết lộ.
Năm 2012, bộ tranh xuất hiện và được giới thiệu công khai tại National Gallery Singapore.