Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trả lời phỏng vấn về Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành’’.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ KH-ĐT cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện triển khai hoạt động quy hoạch thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai Luật Quy hoạch, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu tháo gỡ.
Chính vì thế, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa 22 nội dung của Luật Quy hoạch. Đơn cử như sửa đổi, bổ sung Điều 54 Luật Quy hoạch về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo hướng bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Hay sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 55 Luật Quy hoạch: bỏ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh (đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh)….
Bộ KH-ĐT cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, khi được ban hành sẽ thay thế và khắc phục được phần lớn những bất cập hiện nay của công tác quy hoạch. Việc ban hành Luật sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với quy định mới của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ về vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.
Theo cơ quan này, những quy định mới sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Trong đó, nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất) để kiến tạo sự phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Việc phân bổ nguồn lực cũng sẽ theo cơ chế thị trường để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công của khu vực nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, sẽ tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, Bộ này cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương; giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương.
Sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Vì thế, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 bao gồm: Kinh phí cho hoạt động quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước trong trường hợp mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quy hoạch cần nghiên cứu tháo gỡ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. |