Quan tâm bồi dưỡng, chăm lo cho thanh niên

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa có buổi đối thoại với thanh niên năm 2022, chủ đề “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ông Võ Văn Minh cho biết, thời gian qua, Bình Dương đạt được nhiều kết quả khả quan, thu nhập của người lao động được cải thiện, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình Dương cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.

Trong đó, lực lượng thanh niên chiếm 50% dân số toàn tỉnh. Do đó, công tác giáo dục bồi dưỡng, chăm lo cho thanh niên luôn được lãnh đạo UBND tỉnh, các đơn vị, đoàn thể tỉnh tạo điều kiện để phát huy sức trẻ.

Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với thanh niên.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, buổi đối thoại là cơ hội để đoàn viên thanh niên bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng từ thực tế của cuộc sống thanh niên. Từ đó, lãnh đạo tỉnh, các đơn vị đưa ra những chính sách chăm lo kịp thời, đặc biệt là về chuyển đổi số, nền công nghiệp 4.0, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên.

Tại buổi đối thoại, nhiều thanh niên đặt câu hỏi xoay quanh các chủ đề về nghề nghiệp gắn với sự thay đổi của công nghệ thông tin, giải pháp thích ứng với chuyển dịch chuỗi cung ứng, biến động của quốc tế khiến các nhà máy thiếu đơn hàng, người lao động bị giãn việc, thất nghiệp...

Anh Hồ Hoàng Hiếu, đoàn viên thanh niên ở huyện Phú Giáo chia sẻ, sau 3 năm nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, đến nay đã xây dựng được thương hiệu cho trang trại. Tuy nhiên, điều mong muốn nhất là có vốn để đầu tư máy móc: “Rất mong sẽ có nguồn vốn nào đó, chính sách nào đó để đầu tư thêm máy móc để công nghệ hóa, hiện đại hóa trang trại, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. Những khâu nào nặng quá thì không sử dụng sức lao động như xúc lật mùn cưa, hoặc đảo trộn… nhưng hiện nay máy móc đó tôi chưa đầu tư được”, anh Hiếu nói.

Một vấn đề khác được nhiều thanh niên đề cập là thiếu lao động trong các ngành nghề truyền thống như gốm, sơn mài... trong khi việc đào tạo nghề lao động nông thôn chỉ hướng đến các nghề cạo mủ cao su, nấu ăn, sửa xe... 

Anh Nguyễn Hoàng Trung đến từ huyện Dầu Tiếng cho hay: “Thời đại 4.0 đang phát triển dường như chiếm lĩnh thị trường việc làm, ảnh hưởng không ít đến các ngành nghề truyền thống. Vậy, chúng ta có những chính sách, chương trình như thế nào để thu hút lao động, cũng như hỗ trợ các ngành nghề truyền thống không bị xóa bỏ?”.

Các bạn sinh viên các tỉnh đang học tập ở Bình Dương mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sau khi ra trường có cơ hội việc làm, tham gia phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định tại quê hương thứ hai là Bình Dương.  

Chú trọng liên kết đào tạo

Trả lời các thắc mắc của thanh niên, sinh viên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh có Đề án 826 để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân về vốn, thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Đặc biệt, Bình Dương còn có Trung tâm Sáng kiến cộng đồng để kết nối, tư vấn giúp thanh niên hiểu hơn các vấn đề trước khi khởi nghiệp. 

Về vấn đề việc làm, dạy nghề, các trường nghề ở Bình Dương đang chú trọng liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như theo nhu cầu của doanh nghiệp. Một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn đến nay không còn phù hợp thì sẽ có thay đổi theo nhu cầu.

Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết: Chính sách này xuất phát từ thực tiễn, nếu chưa phù hợp thì sẽ rà soát lại và trao đổi với các địa phương. Mục tiêu là khi đào tạo xong sẽ làm việc được tất cả các ngành nghề trên địa bàn đang có, đảm bảo cho phù hợp. 

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay, lĩnh vực nào cũng có sự tham gia của thanh niên, do đó đề nghị các địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với thanh niên vào tháng 3 hàng năm. Từ các kiến nghị, tỉnh có thêm các chính sách hỗ trợ kịp thời để thanh niên tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển chung.

Ông Minh nhấn mạnh, từng thanh niên phải nỗ lực, kiên trì với con đường mình đã chọn trong học tập, trong làm việc và chuẩn bị thật tốt kiến thức cho công việc hiện tại và cho tương lai. Trong quá trình học tập, làm việc phải hết sức cầu thị, học hỏi và phải kiên định mục tiêu phấn đấu để làm thật tốt. 

Đối với một số vùng nông thôn của Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ, chú trọng đào tạo nghề cho lao động để thanh niên tại khu vực có việc làm ổn định, phát triển cuộc sống, hội nhập nhanh chóng với sự phát triển của thời đại.

Nguyễn Yến