Sáng 22/9, UBND huyện Bình Chánh phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo “Đề án xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM”. 

Huyện Bình Chánh nhìn từ trên cao

Tại đây, ông Huỳnh Cao Cường, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cho biết, Bình Chánh là huyện ngoại thành ở cửa ngõ Tây Nam của TP.HCM, có diện tích hơn 250km2, chỉ đứng sau Cần Giờ và Củ Chi. Đây là huyện có số dân đông nhất cả nước với 711.000 người. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của huyện ngày càng nhanh.

Thực tế đó, đòi hỏi việc thành lập chính quyền đô thị huyện Bình Chánh thuộc TP.HCM là cấp thiết, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của địa phương.

Theo ông, qua khảo sát, đánh giá sơ bộ thực trạng đến năm 2025, huyện Bình Chánh khó có khả năng chuyển thành quận, vì vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường, khi huyện vẫn còn một số xã thuần nông. 

Các đại biểu dự hội thảo lắng nghe chuyên gia phân tích về việc Bình Chánh chuyển lên mô hình thành phố thuộc TP.HCM

Còn theo Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh, hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phải đáp ứng tiêu chí dân số từ 150.000 người trở lên; diện tích hơn 150 km2; có hơn 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65%...

Còn tiêu chuẩn lên quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: mật độ dân số đạt từ 10.000 người/ km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; hạ tầng đô thị đồng bộ và hoàn chỉnh...

Đối chiếu với các tiêu chí trên, HIDS cho rằng, tiêu chuẩn lên quận khó đạt, khi Bình Chánh còn nhiều xã thuần nông.

Trong khi tiêu chí lên thành phố thuộc TP.HCM thì Bình Chánh dễ dàng đạt được các tiêu chuẩn về diện tích, dân số và tỷ lệ cấp phường/xã. 

“Vì vậy, huyện Bình Chánh phải chọn mô hình chuyển đổi lên thành phố trực thuộc TP.HCM, để tổ chức triển khai thực hiện là phù hợp”, theo HIDS.

Hướng đến đô thị sông nước

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện Bình Chánh cho biết, ban đầu đề án nghiên cứu đặt ra hai hướng là lên quận hay lên thành phố. 

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam phát biểu tại hội thảo

“Qua khảo sát, cũng như ý kiến của các đơn vị tư vấn, các sở, ngành… Ban Thường vụ huyện quyết định phấn đấu đưa Bình Chánh lên thành phố thuộc TP.HCM, bỏ qua việc lên quận với các lý do như đề án mà HIDS phân tích”, ông Nam thông tin.

Cũng theo ông Nam, việc chuyển từ huyện lên thành phố thì hướng phát triển từ đầu phải là một thành phố phức hợp. Sau đó, mới tính đến Bình Chánh trở thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao hay đô thị thông minh… . Việc này cần quá trình nghiên cứu thêm. 

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười cho rằng, khi chọn mô hình lên thành phố, Bình Chánh cần đặt vị trí của mình trong tổng thể liên kết vùng ĐBSCL để tương hỗ lẫn nhau trong phát triển mọi mặt. 

PGS.TS Nguyễn Anh Phong (chuyên gia kinh tế thuộc ĐH Kinh tế Luật TP.HCM) ý kiến, mục tiêu mà huyện lập đề án theo đuổi mô hình lên thành phố trong thành phố, không phải lên quận là phù hợp với hiện trạng của huyện.  

Tuy nhiên, ông cho rằng, để đề án khả thi và thuyết phục, cần phải bổ sung tiêu chí phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững, phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới mà Việt Nam đang theo đuổi. 

Bà Đỗ Thị Hiệp (nguyên Chủ tịch huyện Bình Chánh) cũng nêu quan điểm, để chuyển lên thành phố, huyện cần xác định mô hình đô thị sông nước. Vì, huyện Bình Chánh có nhiều sông, ngòi và các kênh rạch. Chỉ cần chỉnh trang, cải tạo cùng với triển khai các tiêu chí khác, sẽ đưa Bình Chánh trở thành đô thị sông nước của TP.HCM. 

Góp ý tại hội thảo, ông Vương Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình giao thông, Sở GTVT TP.HCM, cho biết, việc lên quận hay thành phố, cần đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông. 

Theo ông, hạ tầng đô thị của huyện rất kém, trong khi đây là cửa ngõ kết nối với vùng ĐBSCL, nhưng các trục giao thông liên kết rất hạn chế. 

Tuy nhiên, huyện có lợi thế để phát triển giao thông đô thị, khi TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến 2030 và tầm nhìn 2060, trong đó, có tính đến các tuyến giao thông lớn.

Một thuận lợi khác là huyện có Vành đai 3, Cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua.

Ngoài ra, còn có hai dự án lớn là cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ đều đi qua huyện. 

Bên cạnh đó, TP.HCM có dự án phát triển hệ thống đường sắt đô thị từ 200km hiện nay lên 500km, có nhiều đoạn hướng về huyện Bình Chánh. Cùng với tiềm năng đường thủy sẵn có, do đó quy hoạch phát triển giao thông sẽ thuận lợi hơn.

“Về nguồn lực, TP.HCM đang thí điểm mô hình TOD (mô hình đô thị dọc các dự án giao thông) dọc theo Vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Với tiềm năng đất đai dồi dào, huyện cần tận dụng mô hình này để tạo thêm nguồn lực phát triển”, ông Hưng lưu ý.