Chiều 14/6, Bộ Tư pháp cho biết, Thông tư số 01/2021 và Thông tư số 38/2019 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ GTVT ban hành là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, tại Khoản 2 điều 2 Thông tư số 01/2021 quy định, đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận "là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt" tại UBND xã nơi cư trú khi làm hồ sơ học lái xe mô tô hạng A1, A4 là trái pháp luật.

Tương tự, khoản 25 điều 1 Thông tư số 38/2019 của Bộ GTVT quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành hình thức đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt cũng chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 15/6, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, quy định về đào tạo, sát hạch lái xe thông thường không áp dụng được đối với người không biết đọc, biết viết tiếng Việt.

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt được học, hiểu, sát hạch, cấp GPLX và thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn, Bộ GTVT đã quy định tại Thông tư số 12/2017 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung để  quy định đối tượng, hình thức học, sát hạch đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp điều kiện và trình độ của đồng bào dân tộc.

Lý giải việc quy định nội dung 2 Thông tư bị  Bộ Tư pháp “tuýt còi”, ông Lương Duyên thống cho biết: “Việc quy định người học có văn bản của UBND cấp xã xác nhận người đồng bào dân tộc không biết đọc, biết viết tiếng Việt để tránh bị lợi dụng chính sách”.

Đối với việc Bộ GTVT giao Sở GTVT xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành hình thức tổ chức học và sát hạch cho đồng bào dân tộc không biết đọc, biết viết tiếng Việt theo ông Thống nhằm để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng dân tộc.  

Đào tạo sát hạch lái xe (Ảnh: Chính phủ) 

Ông Thống khẳng định, 2 quy định trên đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và “không để lại hậu quả phải xử lý”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Đường Bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường thông tin, ngay sau khi nhận được kiến nghị của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, Bộ GTVT đã giao Cục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT, số 38/2019/TT-BGTVT, Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Cục Đường bộ sẽ khắc phục các bất cập nêu trên, nhưng phải đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp thực tế trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc trong việc học và sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1, A4.

Để khắc phục bất cập mà  Bộ Tư pháp đã chỉ ra, ông Lương Duyên Thống cho biết, trong dự thảo Thông tư sửa đổi đã đề xuất: Bãi bỏ thủ tục người học xin xác nhận của UBND cấp xã, thay vào đó, để đảm bảo tránh bị lợi dụng chính sách. Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp, trao đổi với UBND cấp xã thông qua thư điện tử, kết nối dữ liệu để xác minh đúng đối tượng.

Được biết, dự thảo thông tư sửa đổi được Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam trình trong tháng 6/2023 và Bộ sẽ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất.

Yêu cầu đồng bào dân tộc thiểu số có xác nhận không biết chữ của UBND xã là vi phạm 

Trước đó, vào chiều 14/6, Bộ Tư pháp cho biết, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức nghiên cứu, kiểm tra Thông tư số 01/2021 và Thông tư số 38/2019 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ GTVT ban hành.

Theo đó, tại Khoản 2 điều 2 Thông tư số 01/2021 quy định đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận "là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt" tại UBND cấp xã nơi cư trú khi làm hồ sơ học lái xe mô tô hạng A1, A4.

Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng là hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được luật hoặc nghị quyết của Quốc hội giao.

Do đó, việc quy định như trong Thông tư số 01/2021 của Bộ GTVT là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Tương tự, khoản 25 điều 1 Thông tư số 38/2019 của Bộ GTVT quy định giao UBND cấp tỉnh ban hành hình thức đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Thế nhưng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định hình thức đào tạo lái xe là nội dung được Luật Giao thông đường bộ giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Như vậy, Thông tư số 38/2019 của Bộ GTVT ủy quyền cho địa phương là chưa phù hợp với quy định pháp luật.