- Đã qua thời gian tuổi trẻ, những người thuộc nhóm những người trung niên sống nhờ ăn bám gia đình đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh, không biết làm thế nào khi cha mẹ qua đời.

Hiện nay, nếu không có lương hưu hay tiên tiết kiệm, những người ở tuổi trung niên này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội đang bị áp lực bởi dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp ở Nhật Bản.

Hiromi Tanaka đã từng hát bè cho các nhóm nhạc pop là người luôn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Bà nói với tờ Reuters khi ngồi trước cây đàn piano trong phòng nhỏ nối liền với cánh cửa của người mẹ già: “Tôi đã từng sống trong một tình trạng bấp bênh và nghĩ mọi chuyện sẽ ổn”. 

Hiện nay, người phụ nữ 54 tuổi này đang dựa vào thu nhập từ các lớp học hát tư nhân và tiền trợ cấp của mẹ để đủ sống. Bà không có tiền hưu trí và đã dùng gần hết số tiền tiết kiệm của mình.

Bà cho biết: “Cha tôi qua đời vào năm ngoái, vì vậy thu nhập hưu trí giảm đi còn một nửa. Nếu mọi việc tiếp tục như thế này, hai mẹ con tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

{keywords}

Bà Hiromi Tanaka sống dựa vào việc dạy hát và tiền trợ cấp của mẹ.

Thống kê vào tháng này cho biết, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người không kết hôn, tỷ lệ này ở phụ nữ là 1/7. Những người độc thân ở Nhật Bản có số lượng đạt mức kỷ lục vào năm 2015 và bà Tanaka là một trong số đó.

Masahiro Yamada, một nhà xã hội học thuộc trường đại học Chuo, người đã đặt ra thuật ngữ “những người độc thân kí sinh” vào năm 1997 cho biết: “Trong suốt thời kỳ “bong bóng kinh tế” cho đến những năm 90, những người ở độ tuổi 20 vui vẻ tận hưởng cuộc sống độc thân và nghĩ rằng 30 tuổi mới là độ tuổi kết hôn”. 

Tuy nhiên ông cho biết thêm: “Nhưng 1/3 số này không bao giờ kết hôn và bây giờ học đã ở độ tuổi 50”.

Tương lai mong manh

Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Thống kê và Đào tạo, khoảng 4,5 triệu người Nhật Bản tuổi từ 35 đến 54 đang sống cùng cha mẹ. Hiện tượng này đã xuất hiện cách đây 2 thập kỷ khi những người trẻ tuổi bắt đầu ăn bám bố mẹ và không lo nghĩ cho cuộc sống.

Ông Katsuhiko Fujimori, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu và Thông tin Mizuho cho biết, mặc dù gần đây tình trạng thắt chặt trong thị trường lao động Nhật Bản đã làm giảm số lượng những người độc thân sống dựa vào bố mẹ, nhưng xu hướng chung có lẽ sẽ không thay đổi. 

Ông nói: "Đó là vì sự gia tăng của lao động thời vụ và ngày càng có nhiều người không thể kết hôn vì lý do kinh tế, ngay cả khi họ muốn”.

Một số người ở độ tuổi trung niên sống cùng cha mẹ đã từng có công việc ổn định nhưng đã thất nghiệp vì bệnh tật hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp, do các công ty cắt giảm chi phí để cạnh tranh.

Bỏ lại phía sau

Akihiro Karube, 53 tuổi, đã làm việc trong lĩnh vực quảng cáo sau khi tốt nghiệp và ở tuổi 30, Akihiro đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ. Ông đã chuyển về với bố mẹ sau một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Ông trả tiền nhà cho đến năm 43 tuổi và được chẩn đoán bị bệnh Parkinson và phải nghỉ việc.

Những nỗ lực tìm kiếm việc làm ở nhà cho người có trình độ đã thất bại và bây giờ ông dựa vào lương hưu của cha mình và trợ cấp tàn tật.

{keywords}

Ông Akihiro Karube chỉ trông chờ vào tiền lương hưu của cha và trợ cấp tàn tật.

Karube, người đàn ông sống cùng với người cha góa 84 tuổi trong nhà chung cư ở ngoại ô Tokyo, nói: "Điều quan trọng bây giờ là tôi chỉ muốn có thu nhập ổn định".

Tương lai có vẻ không mấy lạc quan cho nhóm người này. Họ sống ẩn dật trong sự cô quạnh và không dám thử thách bản thân.

Người Nhật dùng thuật ngữ "hikikomori" để chỉ những thanh niên sống dựa vào bố mẹ. Hiện nay, nó bao gồm cả những người lớn tuổi.

Fuminobu Ohashi, người làm việc cho một nhóm tư vấn, chuyên mở các cuộc hội thảo cho các bậc cha mẹ lo lắng về tương lai của con cái nói: "Vấn đề là họ sẽ làm gì sau khi cha mẹ qua đời". Ông nhận xét: "Đó là một quả bom hẹn giờ".

Khổng Hà