Cùng vấn đề khô da gây ngứa thì thời tiết lạnh, khô hanh như hiện nay cũng làm bùng phát các bệnh da mạn tính như viêm da cơ địa (chàm), mày đay, vảy nến... Đặc biệt, khi trời rét đậm, rét hại, nhiều người bị bệnh cước phải đến viện khám.

Cước có xu hướng xuất hiện nhiều ở các vùng da được tưới máu ít, nhất là các đầu chi. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện các nốt, mảng da mềm màu đỏ hoặc tím do phản ứng với lạnh. Đây là một dạng khu trú của viêm mao mạch.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và người già trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Ở trẻ em, bệnh xuất hiện mỗi mùa đông trong vài năm, sau đó giảm dần và khỏi. Ở người già, bệnh có xu hướng ngày càng nặng hơn trừ khi tránh được các yếu tố khởi phát bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh cước liên quan mật thiết với điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Bệnh cước xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với lạnh. Nhiệt độ lạnh làm co các động mạch và tĩnh mạch nhỏ của da. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp cước xảy ra sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì thời tiết ấm lại làm rò rỉ máu vào các mô, gây sưng da.

Các yếu tố làm nặng bệnh

- Tiền sử gia đình có người bị bệnh tương tự

- Các bệnh mạch máu ngoại vi: đái tháo đường, hút thuốc, tăng mỡ máu

- Người gầy, suy dinh dưỡng

- Thay đổi hormone

- Các bệnh mô liên kết: Lupus ban đỏ, xơ cứng bì, hiện tượng Raynaud, rối loạn tủy xương.

Biểu hiện lâm sàng của cước 

Các nốt, mảng da sưng nề, đỏ, ngứa, màu đỏ hoặc màu tím, giảm sưng sau 7-14 ngày hoặc lâu hơn. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có bọng nước, mủ, loét.

Thương tổn đôi khi có hình nhẫn, có thể trở nên dày và kéo dài tới vài tháng. Các vị trí hay gặp như mặt mu và mặt bên của các ngón tay, ngón chân, má gót chân, chi dưới, đùi, cổ tay trẻ em, mũi, tai.

Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, những biểu hiện lâm sàng chính là thương tổn sưng nề, da màu đỏ hoặc tím (71,4%); bọng nước (21,4%) có khi giống như hình bia bắn, trợt loét và nhiễm trùng (21,4%). 100% bệnh nhân bị ngứa; hơn 64% bị đau nhức tại thương tổn.

Vị trí thương tổn chủ yếu là ở bàn tay, bàn chân. Hơn một nửa bệnh nhân bị tổn thương cả ở bàn tay và bàn chân, trong khi tỷ lệ chỉ bị ở bàn tay đơn thuần là 14,3% và ở bàn chân là 28,6%.

Hình ảnh bệnh nhân bị cước tay, chân đến khám tai Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Điều trị và phòng bệnh

Bệnh cước đáp ứng kém với các thuốc điều trị, có thể dùng kem bôi corticoid trong ít ngày để giảm ngứa và viêm. Nếu có bội nhiễm, sử dụng kháng sinh dạng thuốc bôi hoặc dạng uống tùy mức độ nặng.

Nếu triệu chứng bệnh kéo dài quá lâu hoặc mức độ tăng dần, kèm theo tình trạng mụn mủ, viêm loét, nhiễm trùng da thì cần đi khám sớm.

Để phòng bệnh, cần giữ ấm tay, chân, mặt trong mùa đông. Ngâm tay chân vào nước ấm trong vài phút, sau đó giữ ấm trong vài giờ.

Hạn chế sử dụng các chất gây co mạch như caffeine, đặc biệt không hút thuốc vì chất nicotine làm co mạch. Bệnh nhân có thể dùng các thuốc giãn mạch như nifedipine trong các tháng mùa đông, tuy nhiên cần chú ý các tác dụng phụ của nifedipine như nóng bừng, đau đầu.

Một số biện pháp giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh

- Nhẹ nhàng giữ ấm vùng da bị ảnh hưởng do bệnh cước tay chân gây nên, không nên xoa bóp, chà sát, chườm nóng trực tiếp ở những vị trí bị cước.

- Tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bất kì khi nào.

- Giữ cho vùng da bị cước khô ráo và ấm nhưng tránh ngồi quá gần những nơi có nguồn nhiệt ấm để sưởi ấm.

- Thường xuyên đảm bảo vệ sinh sạch những tổn thương bằng thuốc sát trùng để tránh nhiễm trùng nặng hơn.

BS Trần Thị Huyền, Bệnh viện Da liễu Trung ương