Thời điểm hiện nay, an ninh mạng đang là vấn để nổi lên của an ninh phi truyền thống và các nước đang tích cực đẩy mạnh hợp tác xen lẫn đấu tranh về vấn đề này trong quan hệ quốc tế.

Theo thống kê, trên thế giới mỗi giây có tới 900 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới sinh ra, mỗi ngày phát hiện tới 40 điểm yếu lỗ hổng mới.

Tại Việt Nam, thống kê của Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cho thấy, nguyên nhân chủ yếu, chiếm tỉ lệ lớn hơn cả trong các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống mạng công nghệ thông tin trọng yếu tại Việt Nam năm 2021 và nửa đầu năm 2022, chính là tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật.

Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội liên tục phát triển trong nhiều năm qua, trong đó lĩnh vực công nghệ - thông tin, kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, tuy nhiên vấn đề an ninh mạng, không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn đối với chủ quyền, an ninh quốc gia, an ninh chế độ, trật tự - an toàn xã hội…

Trong khuôn khổ Tuần lễ SICW2022, Bộ trưởng Tô Lâm đã tham dự cuộc họp bàn tròn cấp Bộ trưởng với 2 phiên chính: Phản ứng linh hoạt với an ninh mạng trong giai đoạn bình thường mới và gìn giữ tương lai công nghệ số.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hợp tác an ninh mạng trong ASEAN cần tập trung thúc đẩy sự thống nhất về nhận thức và hành động trong ASEAN đối với vấn đề an ninh mạng; tiến hành khảo sát các lĩnh vực ưu tiên chung trong ASEAN để xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao năng lực thuộc Trung tâm Nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản tại Thái Lan và Trung tâm An ninh mạng ASEAN-Singapore theo hướng trọng tâm, chuyên sâu.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Tô Lâm tái khẳng định cam kết tiếp tục tham gia tích cực, thực chất, hiệu quả vào quá trình thúc đẩy nỗ lực trong ASEAN nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng. Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, các nước ASEAN cần phối hợp tổ chức diễn đàn pháp luật về an ninh mạng trong ASEAN để tăng cường trao đổi về việc áp dụng luật pháp quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, thực hiện nguyên tắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; phối hợp triển khai các chương trình nâng cao nhận thức an ninh mạng và kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn chongười sử dụng Internet trong ASEAN,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tấn công mạng, khủng bố mạng.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều dư địa phát triển lên một mức cao hơn. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật và tư pháp hình sự giữa hai nước thông qua các cơ chế hiện có; tích cực trao đổi thông tin tội phạm, chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường trao đổi đoàn giữa hai Bên nhằm trao đổi, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia,… Hai Bên cũng thống nhất sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan để có thể ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ và Bộ Công an Việt Nam trong thời gian tới.

Trong cuộc tiếp song phương với Trợ lý Ngoại trưởng Australia Tim Watts, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị cơ quan thực thi pháp luật hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm mạng, tập trung vào các nội dung như nghiên cứu, xây dựng, ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, làm cơ sở triển khai các hoạt hợp tác cụ thể; chia sẻ, trao đổi thông tin về phương thức thủ đoạn của tội phạm mạng, kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các vấn đề mới nảy sinh trong lĩnh vực an ninh mạng; thiết lập cơ chế liên lạc trực tiếp, hiệu quả giữa các bên để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm điều tra, xử lý, phòng, chống tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng; tăng cường hoạt động hợp tác công tư, nhất là với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong phối hợp điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng...

Với chủ đề “An ninh kỹ thuật số: Trách nhiệm chung”, SICW 2022 - diễn đàn an ninh mạng quan trọng hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, kỳ vọng sẽ tạo động lực xây dựng năng lực không gian mạng và củng cố các mối quan hệ đối tác quốc tế trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.

Xuân Quý, Thục Anh, Bình Minh