Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức Hội thảo “Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện”. Hoạt động nhằm triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021.

Tài nguyên thông tin là thành tố quan trọng

Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định: “Xây dựng và phát triển dữ liệu số là khâu quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số; đã và đang được các thư viện trên cả nước đẩy mạnh. Trong quá trình này, vấn đề bản quyền ngày càng quan trọng, tạo nên thành công của thư viện”.

Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL.

Theo bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL), thư viện số là yêu cầu bắt buộc và xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, với yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng về chuyển đổi số và vấn đề thực thi bản quyền trong thư viện; làm rõ kết quả đạt được cũng như hạn chế, khó khăn trong quá trình xử lý vấn đề bản quyền vào thực tiễn chuyển đổi số thư viện.

Theo quy định của Luật Thư viện, với nguyên tắc lấy bạn đọc làm trung tâm; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân, thư viện có trách nhiệm phải tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong đó, việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung bảo đảm thực thi các quy định về quyền tác giả đối với phát triển và phục vụ tài nguyên thông tin, đặc biệt là tài nguyên thông tin số.

Thực thi quyền tác giả trong hoạt động chuyển đổi số

Về tình hình thực thi quyền tác giả trong chuyển đổi số ngành thư viện những năm gần đây. Bên cạnh hoạt động chính như mua bổ sung sách, báo, tài liệu từ các đơn vị cung cấp, các thư viện đã phát triển nguồn tài nguyên thông tin bằng phương pháp nhân bản, chuyển đổi định dạng theo phương thức truyền thống hoặc theo hình thức mua quyền sử dụng, số hoá tài liệu.

Theo đó, nhiều thư viện, trung tâm thông tin đã xây dựng và tích lũy nguồn tài nguyên thông tin đồ sộ như: Thư viện Quốc gia Việt Nam (hơn 180.000 sách, số báo được số hoá tương đương 10 triệu trang tài nguyên số, luận án tiến sĩ, sách, báo, tạp chí Đông Dương, sách Hán Nôm), Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (số hoá 5.812 tài liệu, số hoá sách dự án giai đoạn 2019-2022 gồm 11.018 sách, 71.801 số báo)…

Bà Thúy Nga nhấn mạnh, khi phục vụ người sử dụng thư viện, việc thực thi quyền tác giả được đánh giá rõ nét nhất đối với các hoạt động cung cấp bản sao; cung cấp tài liệu số toàn văn và dịch vụ chuyển dạng tài liệu; cung cấp tài nguyên thông tin để tham gia liên thông thư viện...

Thực tế một số thư viện lớn đã chuyển đổi định dạng để tạo ra tài liệu đặc biệt phục vụ đối tượng bạn đọc khuyết tật thị giác. Là đơn vị thực hiện số hóa tài liệu sớm nhất (1998), từ năm 2003 đến nay, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tiến hành tạo sách nói để phục vụ tại thư viện và lưu động đối với người khiếm thị.

Hiện nay, trong số 63 thư viện công cộng cấp tỉnh, có 21/63 thư viện thường xuyên triển khai các hoạt động dành cho người khuyết tật.

Đương đầu với vi phạm quyền tác giả

Về công tác xử lý vi phạm về quyền tác giả trong hoạt động thư viện, bà Kiều Thuý Nga chia sẻ, chưa có vi phạm về quyền tác giả bị xử lý. Một phần do các thư viện nhận thức được trách nhiệm phải tuân thủ điều luật liên quan tới quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ, phần do người làm công tác thư viện phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm.

Bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện nêu rõ một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, báo cáo của các thư viện cũng chỉ ra một số hành vi có nguy cơ hoặc vi phạm bản quyền trong hoạt động thư viện số như: hành vi sao chép, tạo lập để phát triển tài nguyên thông tin trái quy định pháp luật; sử dụng tài liệu mà không có sự cho phép của người sở hữu tác phẩm; thư viện có thiết bị sao chép chưa kèm thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Để đảm bảo việc thực thi bản quyền trong hoạt động chuyển đổi số, các thư viện tiếp tục đối diện thách thức về quyền tác giả, bản quyền trong quá trình chuyển đổi số, thực thi quyền sao chép hoặc thiếu biện pháp xử lý để bảo vệ tài nguyên...

Th.s Trần Nữ Quế Phương cho hay, với mong muốn phát huy tối đa chức năng của thư viện, hạn chế vi phạm bản quyền tác giả, Thư viện Quân đội đã áp dụng nhiều hình thức quản lý khác nhau trên các phần mềm và trang web; tuân thủ quy định “sao chép hợp lý một phần tác phẩm” của Luật Sở hữu trí tuệ; ưu tiên số hóa tài liệu…

Nhằm phục vụ, chia sẻ tài liệu số hiệu quả và theo đúng luật định, đại diện Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - Th.s Vĩnh Quốc Bảo đề xuất tổ chức tập huấn các chuyên đề liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền về tuân thủ luật cho cộng đồng, cũng như đàm phán với các nhà xuất bản cung cấp bản copy điện tử để lưu trữ lâu dài…

Để vấn đề bản quyền tác giả được thực thi có hiệu quả trong các thư viện Việt Nam, ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng Tin học, Thư viện Quốc gia kiến nghị bổ sung các giải pháp tăng cường vai trò của cơ quan quản lý thư viện, cũng như vai trò của chính Thư viện Quốc gia, Hội các thư viện lớn; chỉ định cần có nhân viên bản quyền, tiến hành giáo dục bản quyền, biên soạn tài liệu hướng dẫn về bản quyền…