Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là nơi phát hiện đầu tiên và xác lập tên gọi Văn hóa Sa Huỳnh, được các nhà khảo cổ học khai quật nghiên cứu trong suốt thế kỷ 20. Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí có táng thức cơ bản là mộ chum, không gian phân bố rộng, từ phía bắc Quảng Bình vào đến phía nam Bình Thuận; từ triền Đông Trường Sơn liền với Tây Nguyên vươn ra các đảo gần bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Bình Ba, Phú Quý, Thổ Chu...

Tuy nhiên, vùng lõi trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh vẫn là Quảng Ngãi, Quảng Nam và bắc Bình Định. Địa danh Sa Huỳnh là phạm trù danh xưng văn hóa dân gian dùng để chỉ một vùng đất có cửa biển Sa Huỳnh. Vùng lõi trung tâm là thương cảng Sa Huỳnh có truyền thống giao thương hàng hải từ lâu đời, bao quanh là làng biển kéo dài từ phía bắc đầm An Khê (Phổ Khánh) đến phía nam là Châu Me, Tấn Lộc kéo dài giáp với Bồng Sơn (Bình Định). Nổi bật ở đây là dải cồn cát vàng chạy dài ven biển theo hướng bắc nam, có các di chỉ khảo cổ cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Champa. 

Một góc nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên phát hiện, khai quật các di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Bắt đầu từ năm 1977, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khảo sát phát hiện, khai quật di chỉ cư trú ở ngay tại trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh - một trong 3 trung tâm văn minh ở thời đại kim khí phát triển rực rỡ trên đất nước Việt Nam trong thế giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam bộ.
 
Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ mà cũng hết sức kỳ bí này. Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh và đã đạt được những bước tiến đáng kể.

Các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều di tích Văn hóa Sa Huỳnh tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Đồng Nai, từ các cồn cát ven biển đến đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng ngàn hiện vật đã được phát hiện và phục hồi.

Văn hoá Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như: Long Thạnh, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình vv… Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao khác nhau, là nói đến những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo. Nhưng không chỉ có vậy, gắn liền với Văn hóa Sa Huỳnh còn có đầm An Khê và lạch An Khê - đây là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, một đầm nước ngọt đặc biệt có giá trị và là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa. Trong quá khứ và hiện tại, đầm An Khê và lạch An Khê luôn giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hội tụ núi - rừng - đầm - dải cát ven biển và biển, vừa giúp con người đương đại hình dung sinh cảnh của con người từng tồn tại nơi đây từ nhiều ngàn năm trước, vừa là một bộ phận hợp thành cảnh quan thiên nhiên độc đáo của vùng đất - biển Sa Huỳnh - một địa danh nổi tiếng cả nước và quốc tế.
 
Với những giá trị lịch sử đặc biệt của Văn hóa Sa Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thị xã Đức Phổ tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1649 ngày 29/12/2022.

Di tích gồm 06 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ, đó là: Địa điểm Thạnh Đức thuộc phường Phổ Thạnh, là nơi được nhà sử học người Pháp ViNet phát hiện đầu tiên khu mộ chum vào năm 1909, đánh dấu mốc năm phát hiện đầu tiên Văn hóa Sa Huỳnh trên đất nước ta.

Địa điểm Long Thạnh hay còn gọi là Gò Ma Vương, thuộc phường Phổ Thạnh là nơi mà các nhà khoa học trong và ngoài nước khai quật, phát hiện hai khu cư trú và mộ táng nằm gần nhau, tầng văn hóa cư trú dày gần 2m.

Địa điểm Phú Khương thuộc xã Phổ Khánh, từ năm 1923, được khai quật và phát hiện hàng trăm mộ chum. Quần thể di tích Champa gồm có tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Champa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Champa, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ.

Địa điểm Đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ thuộc xã Phổ Khánh và Phường Phổ Thạnh, một di sản thiên nhiên, các thềm biển, đụn cát được hình thành và ổn định cách đây trên 3.000 năm, trước khi người Sa Huỳnh đến cư trú.

Từ những hiện vật phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh. Không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh các giá trị về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như đầm nước ngọt An Khê, biển Sa Huỳnh với bãi cát, rừng dương, vũng vịnh còn nguyên sơ. Các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt vẫn còn giữ nguyên vẹn với tính xác thực cao. 

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam đánh giá: Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Với những giá trị đặc biệt đó, di tích Văn hóa Sa Huỳnh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vài trò và những giá trị to lớn của Văn hóa Sa Huỳnh trong lịch sử.

Hồng Vũ