Sáng 16/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.

Tham gia khoá tập huấn năm nay có hơn 60 giáo viên người Việt Nam trở về từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhiệt liệt chào mừng các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài về dự Khóa tập huấn.

“Dù là giáo viên không chuyên, các thầy cô vẫn tự nguyện dạy tiếng Việt bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài muốn đóng góp cho việc lưu giữ hồn cốt của dân tộc, đó là tiếng Việt – như ta vẫn gọi là tiếng mẹ đẻ. Hai tiếng rất đơn giản nhưng thân thương và có giá trị lớn. Chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định.  

Các học viên của Khóa tập huấn đến từ nhiều đất nước và hoàn cảnh khác nhau nhưng Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin rằng, các thầy cô đều có chung một tâm nguyện là trao truyền các giá trị văn hóa của quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ, để con cháu và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài mãi về sau vẫn gìn giữ được bản sắc và tiếng nói của cha ông. Giữ được tiếng mẹ đẻ là giữ được hồn cốt của dân tộc, là nền tảng để người Việt Nam ở nước ngoài có thể làm những điều lớn lao hơn và đóng góp cho đất nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng hy vọng, trong thời gian hai tuần, bằng nỗ lực và trách nhiệm, tình cảm của các thầy cô giáo từ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được trang bị thêm các kỹ năng sư phạm. Cùng với ngọn lửa đam mê và tình yêu vốn có với nguồn cội, với tiếng Việt, các thầy cô khi trở về nước sở tại sẽ tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” của mình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tặng hoa cho các giáo viên tham dự tập huấn.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Thu Hằng mong rằng, các hoạt động ngoại khóa trong Khóa tập huấn là cơ hội để các thầy cô tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cũng như giao lưu với các thầy cô giáo dạy tiếng Việt trong nước.

“Qua Khóa tập huấn, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thiết lập được mạng lưới những người Việt Nam yêu tiếng Việt, dạy tiếng Việt ở các nơi trên thế giới. Trách nhiệm, tình yêu quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ là động lực bền vững giúp duy trì sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt, trao truyền giá trị văn hóa cho cộng đồng ta ở nước ngoài, một cộng đồng ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng”, bà Hằng khẳng định.  

Các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ có 2 tuần tìm hiểu, tham quan về văn hóa Việt Nam.

Tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài trở về từ Lào bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được tham gia Khóa tập huấn năm nay. Cô Huyền chia sẻ: “Đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là tại Lào, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống.

Với nỗ lực miệt mài của hàng ngàn giáo viên và tình nguyện viên người Việt Nam ở nước ngoài, công cuộc truyền bá tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng".

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền bày tỏ cảm xúc khi tham dự Khóa tập huấn. 

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền thay mặt cho hơn 60 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Khóa tập huấn hứa sẽ học tập thật tốt để nâng cao kiến thức cũng như nghiệp vụ giảng dạy, tiếp tục phát huy sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”, góp phần gìn giữ và lan toả ngôn ngữ tiếng Việt rộng khắp trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới cũng như cộng đồng người nước ngoài yêu thích tiếng Việt. Cô Huyền cũng đại diện gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành và Ban tổ chức đã xây dựng Khóa tập huấn rất ý nghĩa và thiết thực.

"Trong những năm qua, phong trào dạy và học tiếng Việt trong nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa. Tiếng Việt, bao gồm cả tiếng nói và chữ viết là di sản văn hóa, lịch sử quý báu của dân tộc Việt Nam”, cô Huyền nhấn mạnh.

Theo cô Huyền, với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, một quốc gia có sự gắn bó đặc biệt, quan
hệ hữu nghị vĩ đại với Việt Nam, là nơi sinh sống của cộng đồng kiều bào đông đảo và hợp tác ngày càng nhiều giữa hai nước đang thúc đẩy nhu cầu học tiếng Việt không chỉ của cán bộ các ban ngành mà còn bao gồm cán bộ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, học sinh sinh viên Lào yêu thích ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.

Ngay tại Thủ đô Viêng Chăn cũng có Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, là một ngôi trường mà tiếng Việt được đưa vào giảng dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Đặc biệt không chỉ dạy tiếng Việt cho con em kiều bào mà còn dạy tiếng Việt cho cả con em người Lào tại đây.

Thông qua tiếng Việt, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được lan tỏa nhiều hơn đến với các thế hệ con em kiều bào cũng như nhân dân nước bạn, góp phần thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên tiếp tục được duy trì lâu dài, bền vững.

Xuất phát từ nhu cầu học tiếng Việt ngày càng gia tăng, cùng với những nỗ lực không ngừng của
cộng đồng mà các cá nhân và tổ chức cộng đồng của người Việt Nam tại Lào luôn chú trọng đưa nội dung tăng cuờng phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng vào kế hoạch hoạt động thường xuyên.

Cá nhân cô Huyền cũng mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại Thủ đô Viêng Chăn từ nhiều năm trước. Nhiều học viên là con em kiều bào, người Lào đã đi học đại học, học nghề tại Việt Nam sau khi được học tại lớp dạy tiếng Việt miễn phí mà cô tổ chức, trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Lớp học đã phải gián đoạn trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua. Đến nay, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, lớp học được mở trở lại cùng với việc xây dựng thư viện sách tiếng Việt miễn phí đã thu hút đông đảo học viên đăng ký học. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và là nguồn động lực giúp thúc đẩy công cuộc giữ gìn, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài. 

Các giáo viên có tâm huyết truyền tải tiếng Việt cho các thế hệ kế tiếp trở về từ nhiều quốc gia trên thế giới. 

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội.

Chương trình kéo dài trong 16 ngày (từ 16 - 31/8/2023) với 20 buổi học chuyên môn, bao gồm 03 module: Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương và tiếng Việt; Tiếng Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam; Phương pháp dạy học tiếng Việt và kiểm tra đánh giá.

Nội dung bài giảng tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ. Giảng dạy là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong Khóa tập huấn, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài cũng được dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; tham gia Tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc…

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Năm nay là lần thứ 09 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình này. Sau 10 năm, chương trình đã thu hút sự tham dự của hơn 800 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.

Đỗ Hồng Khanh, Hà Lệ Yên, Nguyễn Thị Diệu Bình