Học tiếng Việt qua thơ ca

Với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai”, chương trình Trại hè Việt Nam 2023 có sự tham gia của 120 đại biểu là thanh niên, sinh viên Việt Nam trở về từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Đây là sự kiện hằng năm được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức.

Những năm qua, hàng nghìn bạn trẻ đã tham gia Trại hè Việt Nam. Trong số đó, nhiều em ngày càng tham gia tích cực và trở thành hạt nhân của cộng đồng, một số em đã trở về sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Các đại biểu Trại hè Việt Nam năm 2023 tại lễ khai mạc. 

Các đại biểu tham gia chương trình ở độ tuổi từ 16 đến 24, là những gương mặt kiều bào trẻ tiêu biểu trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu, thể thao, nghệ thuật… đồng thời, có những đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng cộng đồng. Các kiều bào trẻ tham gia nhiều hoạt động tại 10 địa phương gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Hành trình trải dài tại nhiều tỉnh thành với các di tích lịch sử, di sản thế giới… cùng nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhân kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 và chia sẻ tấm lòng đến các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đây là dịp để các thanh, thiếu niên kiều bào tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, gắn kết với cội nguồn của thế hệ Việt Nam sinh ra và lớn lên tại nước ngoài.

Qua đây cũng giúp các bạn trẻ có cơ hội nói tiếng Việt nhiều hơn, góp phần vào gìn giữ, bảo tồn tiếng mẹ đẻ ở quốc gia mình sinh sống.

Lưu Nguyên Anh (SN 2004) theo gia đình sang Mỹ từ năm 4 tuổi và sống trong môi trường mang đậm văn hóa bản địa. Tuy nhiên, Nguyên Anh cho biết, cuộc sống của gia đình em vẫn thuần Việt với những bữa cơm rau, thịt, cá đơn giản. Đặc biệt, bố mẹ em giao tiếp với các con bằng tiếng Việt hàng ngày, thường xuyên tổ chức lễ, Tết theo phong tục, tập quán quê hương.

“Đó là cách bố mẹ giúp em nuôi dưỡng tình yêu cội nguồn, hướng về Tổ quốc, mọi thứ đều thấm đẫm một cách tự nhiên”, Nguyên Anh khẳng định.

Khu vực Nguyên Anh sống người Việt Nam không nhiều nên em ít có cơ hội sử dụng và tăng cường khả năng ngôn ngữ mẹ đẻ. Vì vậy, Nguyên Anh đã tự nghiên cứu cách học riêng cho bản thân mình.

Năm Nguyên Anh lên lớp 9, gia đình chuyển về Việt Nam sống khoảng 2 năm. Khi đó, em nhập học tại ngôi trường song ngữ với thời lượng 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt. Em thích nhất là môn Tiếng Việt và Ngữ văn. 

“Khi đó, em có thể nói tiếng Việt nhưng đọc và viết kém. Để theo kịp các bạn, em phải nỗ lực thật nhiều. Em vào mạng tìm các tài liệu, kênh học tiếng Việt tự nghiên cứu. Khi đi ngoài đường, em thấy biển hiệu cũng tự tập đọc và chủ động giao tiếp với các bạn bên Việt Nam. Nhờ đó từ vựng của em tăng hơn, khả năng đọc trơn tru”, Nguyên Anh nhớ lại.

Kết thúc lớp 10, Nguyên Anh cùng gia đình quay trở lại Mỹ. Để việc học tiếng Việt không bị gián đoạn, em mua sách, truyện đọc, giữ liên hệ với những người bạn trong nước.

Đặc biệt, Nguyên Anh rất thích đọc thơ ca, hò vè, những trích đoạn trên sách, báo và xem chương trình tiếng Việt… Mỗi khi thấy đoạn thơ hay, em chép ra giấy, đọc nhiều lần, khi nào thuộc mới thôi. 

“Em nghĩ cách để học tiếng Việt tốt là cần phải duy trì, thường xuyên và liên tục việc tiếp xúc với nó. Ngôn ngữ chính là sợi dây nối trái tim của người xa xứ với Tổ quốc”, Nguyên Anh nói. 

Tham gia Trại hè Việt Nam 2023, gặp gỡ các bạn trẻ gốc Việt từ khắp nơi trên thế giới đã tạo cho Nguyên Anh và các bạn một cộng đồng giao tiếp, giúp đỡ nhau học tiếng Việt sôi nổi. 

"Em được gặp nhiều bạn như mình, là người Việt Nam nhưng lớn lên ở quốc gia khác. Với các bạn chưa nói tốt tiếng Việt, em thường nói thật chậm, thật đơn giản để bạn hiểu được. Đồng thời giới thiệu một số kênh dạy tiếng Việt trên nền tảng số để các bạn học", Nguyên Anh nói.

Nguyên Anh học tiếng Việt qua thơ ca và các kênh dạy học trên nền tảng số. 

Những trải nghiệm đáng nhớ

Bên cạnh việc tăng khả năng giao tiếp tiếng Việt, Nguyên Anh cùng các đại biểu kiều bào trẻ tham dự Trại hè Việt Nam 2023 đã có những trải nghiệm thật đáng nhớ. Tất cả các địa điểm họ đến đều mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, giáo dục… giúp các kiều bào trẻ thêm hiểu, yêu thương và có trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương.

 Đoàn kiều bào trẻ trải nghiệm không gian văn hoá tại Phú Thọ. 

Đoàn đã đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) dâng hương; về Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Trong không khí linh thiêng và trang nghiêm, các đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 kính cẩn tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiên đế - những vị anh hùng dân tộc của ba triều đại Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Lý Công Uẩn đã có công dựng nước và thống nhất đất nước. 

Ngoài ra, đoàn cũng tham quan, tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Ninh Bình như danh thắng Động Am Tiên và Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Hoạt động của thanh, thiếu niên kiều bào tại Ninh Bình. 

Điểm tiếp theo của cuộc hành trình là Thanh Hóa. Đoàn đã tham quan nơi thờ các vị Vua Lê ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Thành nhà Hồ, phòng trưng bày hiện vật ở Thành nhà Hồ. Các bạn trẻ say mê tìm hiểu kỹ thuật khai thác, chế tác đá, kỹ thuật xây dựng thành độc đáo qua các tài liệu, hiện vật và ngưỡng mộ trước những giá trị nổi bật của các di sản Vương triều Hồ.

Tại Nghệ An, nhiều đại biểu lần đầu tiên về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên bày tỏ niềm xúc động trước sự đơn sơ, giản dị và ấm áp từ ngôi nhà, phong cảnh, vườn cây ở quê ngoại, quê nội của Bác Hồ.

Nguyên Anh bày tỏ: “Câu chuyện về Bác Hồ qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên rất cảm động. Em nghĩ không chỉ mình mà các bạn trong đoàn đều thấy rưng rưng và khâm phục khi nghe kể về sự hy sinh cao cả của Bác Hồ”.

Sau khi rời Nghệ An, đoàn đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Các đại biểu đã đặt vòng hoa và dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và Khu mộ của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong.

Hoạt động ý nghĩa tại "địa chỉ đỏ" Ngã ba Đồng Lộc.  

Dịp này, đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 đã trao 40 suất quà trị giá 40 triệu đồng cho thân nhân gia đình các nữ thanh niên xung phong, liệt sĩ và thương binh trên địa bàn huyện Can Lộc; 10 triệu đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh.

Ấn tượng và xúc động hơn cả là khi đoàn đại biểu đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. 

Nguyên Anh thắp hương các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Nguyên Anh cho biết thêm, sau lễ dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn, các thanh niên, sinh viên kiều bào đã đến thăm và tặng quà 3 Mẹ Việt Nam anh hùng là Mẹ Bùi Thị Xiếc (SN 1939), Mẹ Ngô Thị Mừng (SN 1940) và Mẹ Lưu Thị Dy (SN 1927) ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, với mỗi phần quà là 3 triệu đồng tiền mặt.

Bên cạnh đó, đoàn đại biểu kiều bào cũng ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị trao tặng những phần quà tương tự cho 07 Mẹ Việt Nam anh hùng khác tại huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

“Tuy còn trẻ và sống xa quê hương từ nhỏ, hay thậm chí sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng khi gặp các Mẹ Việt Nam anh hùng, các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào chúng em đều cảm thấy gần gũi, thân thương. Những hoạt động này mang tính chất đền ơn, đáp nghĩa và thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp của các bạn trẻ Việt Nam trên khắp thế giới”, Nguyên Anh tâm sự. 

Đoàn đại biểu đến thăm gia đình thân nhân liệt sĩ ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Trại hè Việt Nam 2023 đã mang đến cho Nguyên Anh những suy nghĩ tích cực, niềm hạnh phúc khi được trao đi yêu thương. Hiện Nguyên Anh đã hoàn thành xong năm đầu đại học với mục tiêu trở thành bác sĩ giống bố mẹ mình. Em mong rằng sau khi tốt nghiệp đại học sẽ có cơ hội cống hiến và được khám chữa bệnh, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh... 

Đồng hành trên hành trình của đoàn kiều bào trẻ, bà Vũ Thanh Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin -Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) khẳng định, tất cả điểm đến trong hành trình sẽ trở thành dấu ấn khó phai trong lòng các kiều bào trẻ.

Theo bà Huyền, những kỷ niệm sâu sắc gắn liền với Việt Nam không chỉ nhân lên tình yêu quê hương đất nước trong mỗi em mà từ đó, các em sẽ trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Phạm Lương Bằng, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Ngọc Cương