Mời quý độc giả theo dõi video:

Trong ngôi nhà truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng tại làng Đăk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, những người nghệ nhân của làng đang quây quần gặp gỡ.

Đã thành truyền thống, sau những ngày mùa bận rộn, để xua tan đi sự vất vả, lo nghĩ, đồng bào Giẻ Triêng lại tìm đến âm nhạc, đến những tiết mục dân ca, dân vũ lâu đời của buôn làng.

Tiếng đàn Pinboi, đàn Binlon, đàn On eng ọt…lần lượt vang lên giữa núi rừng đại ngàn.

Dân tộc Gié Triêng đã chế tác ra hơn 10 loại nhạc cụ, đều từ những loại cây đơn giản như: lồ ô, tre, nứa, vỏ bầu. Mỗi loại nhạc cụ đều có những nét hay, nét đẹp riêng và được sử dụng vào từng thời điểm, từng nghi lễ riêng trong năm.

Với Nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ - một trong số ít những người đầu tiên của tỉnh Kon Tum được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2009 và cũng là người am hiểu nhất về các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng tại Đắk Dục, những buổi tụ họp biểu diễn dân ca, dân vũ đã trở thành hoạt động không thể thiếu, không chỉ để thư giãn mà còn để nối tiếp và giữ gìn nét văn hoá đẹp của dân tộc mình.

Đắk Dục là xã biên giới nằm ở phía bắc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Toàn xã có 9 thôn, làng, trong đó có 8 thôn, làng đồng bào dân tộc Gié Triêng sinh sống.  Dưới tác động tích cực của các chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, đồng bào Gié Triêng nơi đây đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ nhà ở, trang phục cho đến duy trì hoạt động dân ca dân vũ, truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đến nay, 8 thôn, làng đồng bào Giẻ Triêng đều có nhà rông truyền thống; 6/8 thôn có đội cồng chiêng; 8/8 thôn có đội múa xoang và điệu múa truyền thống của dân tộc Gié Triêng; nhiều lễ hội được gìn giữ và phát huy như lễ hỏi, lễ cưới truyền thống, lễ mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng; nhiều bài dân ca, giao duyên được lưu giữ; đội nghệ nhân của xã cũng thường xuyên được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi.

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong thời gian tới, xã Đắk Dục sẽ tiếp tục phát huy vai trò của những nghệ nhân, nhóm dân ca, dân vũ trong công tác truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép những những bài nhạc, bài cồng chiêng…để lưu giữ và phát huy lâu dài.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy công tác bảo tồn văn hoá phi vật thể của người Giẻ Triêng cũng như triển khai Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I (2021-2025), tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng và lựa chọn làng Đăk Răng, xã Đắk Dục để xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Qua đó khuyến khích dân tộc Gié Triêng ở làng Đăk Răng nói riêng và các thôn, làng trên địa bàn xã nói chung tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.