Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới được đặt ra là để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra. Bảo hiểm xe máy phải hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông do xe máy, giúp nhanh chóng khắc phục những tổn thất về người mà không phụ thuộc vào việc người chủ xe máy đó có khả năng chi trả hay không.

Thế nhưng, thực tế hiện nay bảo hiểm xe máy bắt buộc chưa mang lại lợi ích thiết thực như mong đợi vì thủ tục rườm rà, chi trả thấp.

Đa số người dân mua bảo hiểm xe máy bắt buộc để không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt trên đường. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Để mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, chủ phương tiện bỏ ra 66.000 đồng/năm đối với xe máy có dung tích từ 50cc và 50.000 đồng đối với xe dung tích dưới 50cc. Tuy nhiên, thực tế khi chẳng may xảy ra tai nạn, chủ phương tiện thường rất khó khăn khi thực hiện thủ tục để nhận bồi thường từ bảo hiểm. Do vậy, thay vì chờ nhân viên bảo bảo hiểm đến hiện trường xác minh và làm các thủ tục chi trả, chủ xe thường chọn phương án thỏa thuận với nhau.

Tuy nhiên, do bảo hiểm xe máy được xem là giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông, vì thế nếu chủ xe không có hoặc không mang theo bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, sẽ bị xử phạt từ 100.000 -200.000 đồng. Do đó việc người dân mua bảo hiểm với xe máy hiện nay chủ yếu để ứng phó khi gặp cảnh sát giao thông, tránh bị xử phạt hành chính hơn là để được bảo hiểm chi trả khi không may xảy ra tai nạn trên đường.

Thực tế ngay cả những vụ tai nạn liên quan đến xe máy, thiệt hại chi phí lớn, nhưng tiền bồi thường nhận được chỉ vài triệu đồng, điều này minh chứng cho việc doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc cho xe máy lớn nhưng tỷ lệ chi trả bồi thường thấp.

Số liệu thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm) nên có thể nói mục đích của loại hình bảo hiểm xe máy bắt buộc hiện nay chưa đạt được ý nghĩa chia sẻ rủi ro cho người tham gia giao thông như mong đợi.

Do đó đề xuất bỏ loại hình xe máy bắt buộc sẽ tiết kiệm được chi phí cho người dân và xã hội, bởi thực chất những chi phí này không cần thiết.

Tóm lại, nếu mua bảo hiểm xe máy chỉ để đối phó với CSGT và không mong được chi trả khi xảy ra tai nạn từ phía cơ quan bảo hiểm thì quy định mua bảo hiểm xe máy bắt buộc không còn ý nghĩa gì ngoài việc làm lợi cho phía công ty bảo hiểm.

Việc có nhiều ý kiến nên chuyển bảo hiểm xe máy bắt buộc sang tự nguyện cũng cần được xem xét, đánh giá như một phương án khả thi. Bởi, khi chuyển sang tự nguyện buộc các đơn vị bảo hiểm phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích được chủ phương tiện tự nguyện tham gia, có như vậy bảo hiểm xe máy mới đem lại ý nghĩa thiết thực.

Suy cho cùng, bảo hiểm xe máy nên để người dân có quyền lựa chọn tham gia khi thấy thực sự đem lại lợi ích.