Lời tòa soạn:

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra vào rạng sáng 30/9 tại Đồng Nai làm 5 người chết, 4 người bị thương khiến Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vào cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Kết quả cho thấy nhiều vi phạm xảy ra trước đây tiếp tục được lặp lại.

Ở phạm vi rộng hơn, tiếc rằng không chỉ hãng xe Thành Bưởi có những vi phạm tương tự.

Đây cũng là dịp Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được sửa đổi.

Xuất phát từ những vấn đề trên, Báo VietNamNet tổ chức Bàn tròn “Vụ Thành Bưởi và việc sửa đổi Nghị định 10” nhằm góp phần tạo cơ sở pháp lý, cách thức quản lý mới để lập lại trật tự an toàn giao thông cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải.

Tham gia chương trình bàn tròn có các khách mời:  

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội

Ông Trần Doãn Toàn, Phó giám đốc Kinh doanh nhà xe Văn Minh

 

Nhà báo Phạm Huyền: Vụ tai nạn tại Đồng Nai do lái xe của hãng xe Thành Bưởi gây ra vào rạng sáng ngày 30/9, kết quả xác minh cho thấy xe khách biển số 50F- 00483 chỉ trong 3 tháng 5,6,7 năm 2023 đã chạy quá tốc độ 496 lần. Cũng là doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải, ông Toàn có thể nêu ý kiến về hiện tượng này?

Ông Trần Doãn Toàn: Tôi thấy, doanh nghiệp vận tải cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn giao thông như kiểm tra phương tiện trước khi khởi hành, đăng kiểm, giấy phép lái xe, giấy tờ xe…

Doanh nghiệp phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chương trình đào tạo để nâng cao về an toàn giao thông cho lái xe.

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa giao thông nội bộ, đề cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân viên, lái xe. Đối với doanh nghiệp có lái xe vi phạm thì cần phải có những biện pháp chấn chỉnh và xử lý.

Nhà báo Phạm Huyền: Dưới góc độ cơ quan quản lý, là Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái của Cục Đường bộ, ông Hoàng Anh có ý kiến ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Vụ việc của nhà xe Thành Bưởi vừa rồi, phải khẳng định trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lái xe.

Thứ hai nữa là trách nhiệm của bộ phận quản lý, theo dõi an toàn của công ty khi đã phát hiện lái xe chạy quá tốc độ như thế mà không có những biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý.

Như chúng ta đã biết, bộ phận theo dõi an toàn giao thông đã được quy định trong nghị định, thông tư trong đó quy định rất chi tiết các nhiệm vụ của bộ phận này.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Nguyên nhân của một vụ tai nạn thông thường người ta nhìn nhận ở hai góc độ là trực tiếp, gián tiếp (nguyên nhân chung).

Nguyên nhân trực tiếp có thể là do người lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ tốc độ hoặc mệt mỏi trong quá trình làm việc.

Nguyên nhân chung thì có trách nhiệm của đơn vị quản lý vận tải khi công tác giáo dục người lái xe không thường xuyên, không ngăn chặn, nhắc nhở, chấn chỉnh những vi phạm của người lái xe.

Nếu như trách nhiệm quản lý của đơn vị mà làm tốt thì sẽ hạn chế bớt nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các vụ tai nạn.

Ông Nguyễn Tuyển: Thực tế, các công ty có bộ phận an toàn giao thông sẽ theo dõi giám sát thường xuyên các hoạt động phương tiện.

Các cơ quan quản lý tuyến sẽ căn cứ vào kết quả hằng tháng. Tuy nhiên, kết quả không thể kịp thời như của đơn vị (doanh nghiệp) theo dõi trực tiếp. Do đó, bộ phận an toàn giao thông khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm phải cảnh báo ngay, tránh trường hợp xảy ra tai nạn rồi mới rà soát lại.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong 9 tháng đầu năm, hãng xe Thành Bưởi còn bị Sở GTVT TP.HCM thu hồi tới 246 phù hiệu các xe cũng vì lỗi vi phạm tốc độ. Tiếc rằng đây không phải là vi phạm cá biệt của riêng hãng xe Thành Bưởi. Điều này cho thấy công tác quản lý và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an toàn giao thông có thể nói gần như tê liệt. Vậy từ chức năng của mình các vị khách mời có thể đưa ra góc nhìn như thế nào về câu chuyện này?

Ông Hoàng Anh: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước tiên là phục vụ cho công tác quản lý, điều hành cũng như là công tác quản lý, điều hành, quản lý lái xe của doanh nghiệp.

Đồng thời cơ quan quản lý cũng căn cứ vào các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đó được chuyển về để phục vụ cho công tác điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe thông qua các thiết bị đó.

Nghị định 10 cũng như Thông tư 12 quy định rất chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của bộ phận theo dõi an toàn giao thông cũng như quy trình đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó có quy định cụ thể về trước và trong quá trình vận chuyển đơn vị phải làm gì, kiểm tra các điều kiện phương tiện và người lái xe ra sao để đảm bảo an toàn giao thông.

Mặt khác, Nghị định 10 cũng quy định dữ liệu vi phạm tốc độ trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ được tổng hợp, thống kê hằng tháng phục vụ cho công tác xử lý vi phạm của phương tiện. Căn cứ trên dữ liệu đó các Sở GTVT sẽ tiến hành xử lý lái xe, phương tiện vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong các quy định của chúng ta vẫn còn những điều không hợp lý và chưa đầy đủ. Ví dụ như quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi về an toàn giao thông.

Tuy nhiên, quy định này rất đúng và phù hợp đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, phù hợp với những hợp tác xã quản lý tập trung.

Nhưng đối với những hộ kinh doanh mỗi hộ chỉ có 1, 2 xe, ông chủ xe cũng là người lái xe, hay những hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ một số khâu trong quá trình sản xuất thì quy định này không thể thực hiện một cách đầy đủ.

Theo phân cấp Sở GTVT các địa phương thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh cũng như quản lý hoạt động của các doanh nghiệp để xử lý, chấn chỉnh, tuy nhiên, biên chế cán bộ lĩnh vực này rất hạn chế.

Hơn nữa, cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng phần cứng thì chưa đủ mạnh, phần mềm lại chưa đủ độ thông minh để phục vụ cho việc khai thác, sử dụng dữ liệu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nhà báo Phạm Huyền: Từ thực tiễn kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đại diện của nhà xe Văn Minh, ông Toàn có ý kiến như thế nào?

Ông Trần Doãn Toàn: Tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại vai trò quan trọng nhất vẫn ở phần các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của lái xe. 

Một số doanh nghiệp hiện nay theo tôi đánh giá chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Các doanh nghiệp này đang coi trọng lợi nhuận hơn an toàn của hành khách cũng như những người tham gia giao thông khác.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhà xe Thành Bưởi cũng như là các nhà xe khác, tuy là xe hợp đồng nhưng trên thực tế thì lại trá hình là xe vận tải chạy tuyến cố định. Đây là một vấn đề nhức nhối lâu nay. Vậy xin hỏi từ góc độ doanh nghiệp của mình ông Toàn có thể lý giải vì sao loại hình này trở nên phổ biến hiện nay?

Ông Trần Doãn Toàn: Hiện xe hợp đồng ngày càng phát triển do họ có thể chủ động được mức giá vận tải, có thể chủ động được lộ trình tuyến theo nhu cầu của khách.

Với lợi thế không phải nộp lệ phí liên quan đến tiền lệnh, tiền bến bãi và họ được phép đón trả tại nhà, loại hình xe hợp đồng đã giảm được tối đa chi phí. Đây là những điều mà các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chạy tuyến cố định thua về mọi mặt.

Chúng tôi là một trong những đơn vị vận tải khách tuyến cố định rất trăn trở vấn đề này. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà nó gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách nói chung.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Tuyển, ông suy nghĩ thế nào về tâm tư mà ông Toàn vừa nêu?.

Ông Nguyễn Tuyển: Xe hợp đồng tương tự như tuyến cố định thực ra không phải bây giờ mà cách đây nhiều năm đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng chúng ta cũng phải biết cách đây hàng chục năm thì loại hình vận tải tuyến cố định chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên, khi đời sống lên cao thì nhu cầu của người dân đi tham quan du lịch nhiều lên, thành ra thị phần vận tải cũng thay đổi.

Trong những cơ chế, chính sách thì điều kiện hoạt động của xe hợp đồng thông thoáng hơn tuyến cố định. Vì thế, khi đang sửa đổi nghị định cơ quan soạn thảo sẽ phải nghiên cứu sửa đổi tạo môi trường bình đẳng hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Vấn đề này khi chúng tôi xây dựng các văn bản pháp luật cũng đã nhìn nhận ra. Thời gian tới chắc chắn phải xây dựng một văn bản pháp luật đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.

Nhà báo Phạm Huyền: Vì sao việc xử lý xe hợp đồng hoạt động trá hình lại khó khăn đến vậy, thưa các khách mời?

Ông Nguyễn Tuyển: Thực tế chúng ta đều biết việc phân biệt giữa loại hình hợp đồng với tuyến cố định trong Nghị định 10 cũng tương đối rõ. Tuy nhiên, đang thiếu công cụ hỗ trợ cho các lực lượng thực hiện.

Chúng ta chưa có một app để đơn vị khai báo thông tin trước chuyến đi, lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông có thể vào app kiểm tra.

Phần mềm giám sát hành trình như anh Quyền nói chưa đủ thông minh để có thể tự động chỉ ra những xe vi phạm. Nếu rà soát thủ công thì thực sự khó khăn. 

Sở GTVT Hà Nội cũng có nhiều văn bản chỉ đạo thanh tra, rà soát nhưng để xử lý được xe hợp đồng chạy tương tự tuyến cố định thực sự khó.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo tôi có nguyên nhân khách quan là hiện nay nhu cầu đi lại của hành khách với mong muốn chất lượng cao hơn, tiện lợi hơn.

Tôi nghĩ bên cạnh những giải pháp đã nêu thì cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước gồm giao thông, công an giao thông, thuế… nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công khai, minh bạch, bình đẳng.

Video: Huy Phúc

Thiết kế: Thu Hằng

Phần 2: Chuyển quản lý giao thông từ trên đường sang trên hệ thống, bằng dữ liệu