Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đã diễn ra chương trình nghệ thuật chủ đề “Bản hùng ca Điện Biên”, chào mừng kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023).

Chương trình gồm hai phần: "Ký ức hào hùng" và "Điện Biên ngày mới" với những ca khúc đi cùng năm tháng như: Hò kéo pháo, Qua miền Tây Tắc, Trên đồi Him lam, Giải phóng Điện Biên, Điện Biên vang mãi bản hùng ca...

Chương trình nghệ thuật khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Đó là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phản ánh bước trưởng thành hết sức quan trọng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong đà lớn mạnh của toàn dân, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

69 năm trước, ngày 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên nền tảng của tư tưởng chiến tranh nhân dân và với một tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chuẩn bị từng bước xây dựng thế trận lòng dân cho trận quyết chiến lược tại Điện Biên Phủ.

26 chân dung anh hùng góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu năm 1954.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào-Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Trận quyết chiến diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. 

Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong chiến dịch, nhân dân đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ… 

Ở nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi số lại.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Hẳn là, chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.

Trên nền tảng của tư tưởng chiến tranh nhân dân và với một tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chuẩn bị từng bước xây dựng thế trận lòng dân cho trận quyết chiến lược tại Điện Biên Phủ. 

Ngay từ thời kỳ đầu chuẩn bị cuộc kháng chiến, trong bài viết “Hình thức chiến tranh ngày nay” đăng trên Báo Cứu quốc,  số 351, ngày 20/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.

Tiếp đó, Bác khẳng định “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.

Ngay từ khi bắt đầu từ chiến dịch Tây Bắc 1952 và trong quá trình diễn ra chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn theo dõi sát diễn biến tình hình chiến dịch. Người đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện, gửi thư khen, động viên cán bộ chiến sĩ, dân công tại mặt trận và nhân dân các địa phương nhằm phát huy cao độ những giá trị tinh thần - một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của chiến tranh chính nghĩa và là nội dung cốt lõi của thế trận lòng dân trong chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Sau chiến thắng Tây Bắc sức mạnh của thế trận lòng dân cả nước tiếp tục được tăng cường do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, chỉnh quân và chỉnh đảng. 

Đồng thời, thông qua các đợt học tập, chỉnh quân chính trị. Mục đích là nhằm nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản, quán triệt tình hình nhiệm vụ và đấu tranh chống lại các biểu hiện cá nhân trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tạo sự nhất trí cao trong đội ngũ cán bộ của Đảng và các cơ quan của Chính phủ. Nhờ đó, không những làm cho tinh thần, sức mạnh của con người của tổ chức Đảng, của quân đội được nâng lên rõ rệt mà còn tác động, ảnh hưởng tích cực tới tinh thần của nhân dân. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào quân đội, tiếp tục được củng cố và tăng cường.

69 năm đã trôi qua, các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến dịch đã để lại một trong những điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, đó là người dân tham gia vào chiến dịch này đông gấp nhiều lần quân đội. Có thể nói, không có sự đóng góp sức người, sức của to lớn đó của nhân dân thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ và sự đóng góp ấy là kết quả của việc xây dựng và phát huy thế trận lòng dân dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.

Hồng Vy