Dưới đây là bài phát biểu của GS Trình Phương Đông - giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh, gửi sinh viên trong lễ tốt nghiệp ngày 3/7 vừa qua:

Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em sinh viên thân mến!

Trải qua 4 năm học, giờ là lúc chúng ta hái quả! Là người thầy, tôi thực sự vui mừng cho các em. Dù tiếp tục học hay bước vào đời, con đường phía trước của các em đã mở ra. Có lẽ, đây mới là khởi đầu. Khởi đầu là hy vọng, thử thách và sự sẵn sàng, còn đích đến dù đẹp vẫn mang nghĩa kết thúc và tạm biệt. Vì vậy, đường đời là sự tìm kiếm không ngừng những khởi đầu. Cũng từ đây, cuộc đời các em sẽ mở ra một chương mới.

Kết thúc 4 năm đại học, trong giây phút này thầy mong muốn các em hãy suy nghĩ nghiêm túc về điểm đến. Hay nói cách khác, đích đến cuối cùng trong hành trình cuộc đời có ý nghĩa gì? Để giải thích khái niệm này, tôi muốn chia sẻ với các em những câu trích dẫn từ các tác phẩm kinh điển thời Tiên Tần:

Tuân Tử từng có câu: "Học dã giả, cố học chỉ chi dã", nghĩa là người học bám chắc thứ đã học nhưng cần biết điểm dừng. Ở đây, Tuân Tử muốn nhấn mạnh, việc học thay vì đạt tới chân lý, đôi khi chính sự chăm chỉ và kiên trì khiến chúng ta lạc lối trong vòng lặp luẩn quẩn. Do đó, cốt lõi của việc học là không ngừng khám phá, tìm tòi và điều chỉnh để tìm ra đích đến cuối cùng. Trong quá trình này, tìm đúng đích đến phù hợp sẽ quan trọng hơn việc đạt được nó.

Câu nói của Tuân Tử đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong thời đại 'cuộn tròn' (mô tả sự kiệt sức của con người cố gắng nhưng không đạt được mong muốn) của giới trẻ hiện nay. Đối với một số em, Đại học Bắc Kinh từng là điểm đến sau 12 năm đèn sách miệt mài. Tốt nghiệp đại học sẽ học lên cao và công việc trở thành đích đến cuối cùng sau thời gian dài nỗ lực. Những điểm đến này được coi là đã định sẵn, việc cần làm là nỗ lực hết sức. 

Tuy nhiên, có em lại kiệt sức sau những giây phút ăn mừng chiến thắng ngắn ngủi. Lúc này, các em sẽ cảm thấy hoang mang, lo lắng về đích đến cuối cùng, sau đó lại cật lực đi tìm. Thầy hy vọng, hành trang 4 năm đại học, sẽ giúp các em tìm ra được đúng đích đến cuối cùng bản thân mong muốn.

450921337_848729579964346_257813238082120971_n.png
GS Trình Phương Đông phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Baidu

Thứ hai, trong Tứ thư Đại học có câu: "Đại học chí đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ uy tín thiện" (nghĩa là đạo học là làm việc lớn, rạng rỡ đức sáng của bản thân, thương dân, đạt đến sự hoàn thiện". Năm nhất, các em đặt chân vào con đường "đạo đại học". Năm hai, các em được soi chiếu vào nội tâm để khai mở 'minh đức'. Năm ba, các em tập trung nghiên cứu chuyên ngành. Giờ đây, là lúc các em phải suy ngẫm đến việc hoàn thiện bản thân.

4 năm đại học là khoảng thời gian vô cùng quý giá để các em học tập, trưởng thành và khám phá bản thân. Các em đã có cơ hội tiếp xúc với kho tàng tri thức của nhân loại, được rèn luyện tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đặc biệt, các em đã được trải nghiệm những khoảnh khắc cảm nhận chân lý và sức mạnh của 'chí thiện' (hoàn thiện về trí tuệ, đạo đức và sự cống hiến cho cộng đồng).

Tuy nhiên, hành trình học tập và rèn luyện không dừng lại ở đây. 'Chí thiện' là một mục tiêu cao đẹp nhưng cũng đầy thử thách. Để đạt được mục tiêu này, các em cần phải nỗ lực không ngừng, liên tục học hỏi và rèn luyện bản thân.

Sau 4 năm đại học, các em đã dần quên đi kiến ​​thức nắm vững ở THPT. Theo quy luật tự nhiên, sau một thời gian, các em sẽ quên kiến thức đã học. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả kiến thức chính là giá trị cốt lõi các em học được tại Đại học Bắc Kinh. Đó là tinh thần ham học hỏi, tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng.

Qua đây, tôi muốn truyền tải đến các em thông điệp về hành trình và đích đến cuối cùng trong cuộc đời. Chữ "止" (zhǐ - dừng) là hình ảnh ẩn dụ cho những dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập và trưởng thành của các em. Mỗi bước đi, trạm dừng đều có dấu ấn riêng, ghi lại những nỗ lực, trải nghiệm và cả bài học quý giá.

Tuy nhiên, chỉ khi dũng cảm bước về phía trước, các em mới có thể nhìn lại và trân trọng những dấu chân đã đi qua. Giống như việc chúng ta tạm dừng để quan sát dấu chân của bản thân, dành thời gian suy ngẫm về hành trình trước đó, những gì đã đạt được và còn dang dở.

Điểm đến không chỉ là đích còn là hành trình. Mỗi điểm đến đánh dấu một giai đoạn của bản thân, nhưng đồng thời cũng là khởi đầu cho hành trình mới. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải biết trân trọng từng điểm đến, đồng thời không ngừng hướng tới những mục tiêu và đỉnh cao mới trong tương lai.

Lời cuối cùng, tôi xin chúc cho hành trình phía trước của các em thật tốt đẹp!