Huyện Bắc Quang là cửa ngõ phía nam tỉnh Hà Giang, nằm trên Quốc lộ 2 cách thành phố Hà Giang 60 km về phía bắc. Toàn huyện có 19 dân tộc với trên 28.200 hộ; DTTS chiếm đến 72,4% cơ cấu dân số của huyện. Trong đó, dân tộc Tày có tỷ lệ cao nhất 44,6% dân tộc Pà Thẻn chiếm tỷ lệ thấp nhất 1%.

Bắc Quang cũng là một trong 7 huyện đã tham gia vào chương trình xây dựng “Huyện điểm văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của cả nước, giai đoạn 2006 - 2010. 

Bước sang giai đoạn mới, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, Huyện ủy Bắc Quang đã ban hành các chương trình, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được nội dung các chỉ thị và nghị quyết. 

Mỗi mùa Xuân sang, trên khắp các bản làng của dân tộc Tày, người dân lại tưng bừng, rộn ràng đón chờ ngày hội. Lễ hội nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà khỏe mạnh, no ấm.

Sau 1 năm chỉ đạo triển khai thực hiện, huyện Bắc Quang đã đạt được một số kết quả nổi bật như, các hủ tục trong việc cưới của đồng bào các dân tộc như tục thách cưới cao đã giảm đáng kể, tục ép hôn, gả bán đã được loại bỏ. Các cặp kết hôn trong độ tuổi thực hiện kết hôn đúng Luật Hôn nhân và gia đình. Tổ chức đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh, phù hợp với đời sống kinh tế của từng gia đình và địa phương; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đã hạn chế việc tổ chức “bữa nháp” mời nhiều người gây lãng phí.

Bên cạnh đó, việc tang cơ bản đã thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật trong đám tang sang các hình thức khác phù hợp hơn; hạn chế mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, vừa góp phần chống lãng phí. Thời gian tổ chức lễ tang được rút gọn, không còn tổ chức đám tang dài ngày. Ở trung tâm thị trấn, các tổ dân phố nhân dân hạn chế lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để căng phông rạp; giảm thiểu việc ăn uống, mở loa to, không đốt, rải vàng mã xuống đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống ở khu dân cư. Trong đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao... đã tuyên truyền, vận động được các thầy mo, thầy cúng rút ngắn được bài cúng trong đám tang, tổ chức tang lễ theo quy định của địa phương.

Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện như Tết Nguyên đán; Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ Hội cầu trăng của dân tộc Ngạn... được tổ chức với nội dung phong phú, lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Đặc biệt là Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao đã được rút ngắn thời gian từ 3 đêm, 4 ngày xuống còn 1 đêm 2 ngày, số lượng thầy cúng lễ cũng giảm từ 6 thầy xuống còn 4 thầy, không còn tình trạng giết mổ nhiều gia súc gây tốn kém, lãng phí và kéo dài nhiều ngày.

Trong sinh hoạt đời sống đã tích cực vận động nhân dân di dời chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng,.. vận động nhân dân giảm thiểu và chấm dứt tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc; các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ, các hoạt động cải tạo cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; thành lập câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” của Đoàn thanh niên... đã góp phần tuyên truyền rộng rãi tới bà con nhân dân trong thôn, tổ dân phố và các xã về ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt vệ sinh môi trường nông thôn...

Để tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, Nghị quyết số 27-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nội dung cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, trong lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.

Yên Minh