Bạc Liêu là một tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ có bờ biển dài 56 km. Bạc Liêu có địa hình thấp hướng nghiêng, thấp dần từ biển Đông vào nội địa.

Bờ biển tại Bạc Liêu có tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh - quốc phòng và sinh kế cho người dân. Song, đây cũng là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Đặc biệt, Bạc Liêu đang chịu ảnh hưởng nặng nề hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông ven biển do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 03 vị trí sạt lở bờ biển đã làm sạt lở rừng phòng hộ tiến sát chân đê, gây mất an toàn tuyến đê.

dien gio.png
Khu du lịch điện gió tỉnh Bạc Liêu

Bạc Liêu có tổng diện tích đất rừng ven biển là 5.730 ha. Rừng phòng hộ Bạc Liêu trải dài trên 56km, tập trung ở vùng ven biển. Rừng ngậm mặn ven biển Bạc Liêu bao gồm 49 loài. Đặc biệt có cây chùm lé là loài duy nhất ở Bạc Liêu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Rừng ngập mặn không chỉ có giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học biển mà còn quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu.

Trong những năm qua, hiện tượng sạt lở ở thảm rừng phòng hộ và bờ biển Bạc Liêu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh do tác động của sóng và dòng chảy ven bờ từ những biến đổi khác thường của thời tiết và khí hậu. Hiện tượng xâm thực bờ biển đang diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông.  

Sóng biển đã làm sạt lở rừng phòng hộ, vết sạt đã gần đến chân đê, đồng thời ảnh hưởng đến công trình hạ tầng đang sử dụng như hệ thống công trình giao thông, hệ thống đường điện tại khu vực. Bên cạnh đó, tình trạng người dân xâm hại và phá rừng trong những năm qua vẫn còn diễn ra.

Bạc Liêu đã xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho người dân. 

Ủy ban nhân dân tỉnh nhanh chóng ban hành các chính sách, quy định mới về phát triển lâm nghiệp khuyến khích các hộ dân được giao rừng mở rộng thêm diện tích trồng rừng mới. Gắn trồng rừng với phát triển nông nghiệp như nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng. 

Hằng năm, trên toàn tỉnh trồng được hàng trăm héc ta rừng với nhiều chiến dịch trồng mới và ra quân làm sạch biển. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch diện tích rừng phòng hộ ở bãi bồi ven biển hơn 1.265ha, với các loại cây ngập mặn ven biển như: đước đôi, cóc trắng, mắm biển, giá… Trong đó, cây mắm biển chiếm tỷ lệ cao nhất, đồng thời là loài cây thích nghi, phát triển tốt trên diện tích bãi bồi ven biển, đảm bảo chức năng phòng hộ. Các dự án tạo bãi bồi để trồng rừng đã và đang góp phần rất lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Ngoài trồng rừng, UBND tỉnh Bạc Liêu còn ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông, bờ biển. Theo đó, từ nay tới năm 2025, Để phòng, chống và ngăn chặn việc mở rộng phạm vi sạt lở bờ sông, bờ biển như: Xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ chân công trình, nhằm tránh xâm thực từ sông, biển vào chân kè...

Ngoài các khu vực dân cư đã thực hiện, cần tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các khu dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông, bờ biển do triều cường, sạt lở đất. Xây dựng các tuyến đê, kè sông, kè cửa sông ven biển kết hợp giao thông; tuyến đê biển kết hợp an ninh quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 09 dự án, công trình bảo vệ đê biển và kinh phí dự kiến là 1.672 tỷ đồng. Với nỗ lực như trên, diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển ngày càng tăng lên. 

 

Diệu Thúy và nhóm PV, BTV