Nâng cấp hạ tầng hậu cần phục vụ nghề cá

Là một tỉnh ven biển, với đội tàu đánh bắt thủy sản hùng hậu, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng được nhu cầu phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 11 cảng cá; trong đó, 8 cảng được chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác với 6 cảng cá loại 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ định và 2 cảng cá loại 3 được Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Công tác khơi thông luồng lạch ra vào cảng cá được đầu tư thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào bốc dỡ sản phẩm hải sản và tránh trú bão cũng như cung cấp nguyên, nhiên liệu cho tàu cá vươn khơi.

Mặc dù cơ sở hạ tầng nghề cá luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, thế nhưng với số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ phát triển ngày càng nhanh thì hiện nay, nhiều cảng cá vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng của nghề cá BR-VT.

Một thời gian dài, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn do nguồn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ mang theo trên mỗi chuyến biển hạn chế, các tàu không thể đánh bắt dài ngày trên biển.

Thủy sản sau khi đánh bắt không thể vận chuyển ngay vào bờ để bán cũng mất đi phần nào độ tươi ngon, dẫn tới sản phẩm mất giá trị cạnh tranh, giá bán không cao…

Thêm vào đó, khu neo đậu do chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều cảng cá đã xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng.

Bởi vậy, với việc phát triển đội tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, thời gian mỗi chuyến biển sẽ kéo dài hơn, đánh bắt được nhiều thủy sản và tiết kiệm nhiên liệu hơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thủy sản, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển bền vững.

Di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản số 11976/UBND-VP yêu cầu Ủy ban Nhân dân địa phương và các sở, ban ngành đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có 1.231 cơ sở phù hợp với tiêu chí di dời, cần phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất, trong đó, có 412 cơ sở chế biến hải sản và 819 cơ sở sản xuất ngành nghề khác.

Tổng nhu cầu về diện tích di dời cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh khoảng 41,84ha, chưa tính nhu cầu cần 8,1ha cho sáu cơ sở chế biến bột cá.

Với diện tích trên tỉnh cần bổ sung thêm một cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 65ha, mới đủ đáp ứng nhu cầu di dời của các địa phương.

Tại Văn bản 11976/UBND-VP, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất địa điểm bổ sung cụm công nghiệp chế biến hải sản với qui mô khoảng 39,5ha để phục vụ di dời.

Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân huyện Xuyên Mộc, Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ, và Ủy ban Nhân dân thành phố Bà Rịa và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục về đơn giá thuê lại đất của các cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An, Cụm công nghiệp Hòa Long, Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Long Phước, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Công ty IZICO (đơn vị quản lý hạ tầng 4 cụm công nghiệp trên) theo quy định.

Đối với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện: Lập kế hoạch thực hiện cụ thể đối với việc hỗ trợ chi phí cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng di dời đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt có nguyện vọng chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định tại Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND ngày 14/12/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xem xét những cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch (có trong danh sách di dời đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt), có khả năng cải tạo nhà xưởng giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, để kịp thời giải quyết kiến nghị của một số doanh nghiệp chế biến hải sản đề xuất được bố trí đất trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng nhà máy di dời vào.

Với những lợi thế sẵn có như cơ sở hạ tầng đạt chất lượng, nhiều nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu, trung tâm sản xuất giống và dịch vụ hậu cần…, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tập trung xây dựng trung tâm nghề cá vùng đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ các tỉnh khu vực; trong đó, chủ yếu là khai thác, nuôi biển, sản xuất giống, chế biến xuất khẩu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Đây là động lực giúp nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu  phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của mình trong tương lai.

Phú Mỹ